Hiện, trên toàn quốc có 17 trạm thu giá đã triển khai làn thu giá tự động không dừng VETC |
Trong bối cảnh đó, việc ngành giao thông quyết định áp dụng hàng loạt công nghệ thông minh như: Camera phạt nguội, bản đồ xe buýt, thiết bị giám sát hành trình hay công nghệ tìm điểm đỗ xe bằng điện thoại (iParking)… là một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình “công nghệ hóa” hoạt động quản lý, vận hành giao thông tại Việt Nam.
Một trong những công nghệ đang gây sự quan tâm đặc biệt hiện nay là thu giá tự động không dừng VETC. Đây là công nghệ áp dụng trên nền tảng RFID (Radio Frequency Identification) sử dụng sóng radio nhận diện phương tiện xe cơ giới có gắn thẻ E-tag dán trên kính hoặc đèn xe để tự động trừ tiền vào tài khoản được nạp trong thẻ. Khi đó, thanh chắn (barie) sẽ tự động mở ra cho phương tiện đi qua trạm mà không cần phải dừng lại nộp tiền lấy vé.
Với công nghệ này, Bộ GTVT đã đưa ra lộ trình tiến tới bỏ toàn bộ barie tại các trạm thu giá hiện nay. Thậm chí, khi đó, các chủ phương tiện hoàn toàn không cần quan tâm đến các trạm thu giá trên đường. Đơn vị thu giá cũng không phải tốn tiền lắp đặt các trạm thu giá, bố trí nhân lực để thu tiền của các phương tiện.
Theo tính toán, với công nghệ thu giá tự động không dừng VETC, mỗi năm sẽ tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi phí cho công tác quản lý giao thông. Đấy là chưa nói đến những lợi ích về mặt KT-XH khác như: Đảm bảo sự minh bạch trong việc thu tiền tại các dự án BOT, tiết kiệm thời gian lưu thông cho phương tiện, tiết kiệm chi phí nhiên liệu do không phải dừng lại nộp tiền mua vé và tiền in vé giấy, không còn ùn tắc giao thông tại các trạm thu giá…
Nhìn rộng hơn, thu giá tự động không dừng chính là một hình thức thanh toán điện tử. Nhiều chuyên gia cho rằng, không ngạc nhiên khi Việt Nam đi sau, nhưng sẽ về đích trước nhiều nước trong khu vực về giao dịch điện tử, bởi xu hướng thanh toán di động đang được coi là “không ai có thể cưỡng lại được”. Xu hướng này chắc chắn sẽ bùng nổ sắp tới bởi nó mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể, từ người dân, doanh nghiệp đến Nhà nước. Thêm nữa, theo thống kê của World Bank, số lượng giao dịch phi tiền mặt trên bình quân đầu người của Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng như: Thái Lan, Malaysia hay Trung Quốc... Điều này chưa tương xứng với mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra trong việc đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán về dưới 10% trước năm 2020, tức chưa đầy 3 năm tới. Vì vậy, nhiều chuyên gia kỳ vọng vào một cú hích mang tính đột phá để giúp đẩy nhanh lộ trình.
Chính vì vậy, sự kiện đơn vị triển khai hệ thống thu giá tự động VETC tiến thêm một bước là ký kết với nhà mạng Viettel hỗ trợ thanh toán qua ứng dụng BankPlus chắc chắn sẽ là đòn bẩy thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc thu giá tự động nói riêng và thanh toán điện tử nói chung tại Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận