Các diễn viên đóng phim “Lời nguyền huyết ngải” |
Phim kinh dị thi nhau ra rạp
Phim kinh dị luôn là một trong những thể loại thu hút khán giả nhất, bởi đơn giản con người ta luôn tò mò muốn biết thứ họ lo sợ là gì. Năm 1937, bộ phim Cánh đồng ma ra đời với sự xuất hiện của nhà văn Nguyễn Tuân đã đánh dấu cho sự phát triển của thể loại phim này ở Việt Nam.
Mấy năm trở lại đây, thể loại phim kinh dị phát triển trở lại và thi nhau ra rạp. Có thể kể đến như: Mười, Lời nguyền huyết ngải (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên), Cột mốc 23 (Đạo diễn Nguyễn Quốc Duy), Đoạt hồn (đạo diễn Hàm Trần), Ám ảnh (đạo diễn Bảo Nguyễn), Ngôi nhà trong hẻm (đạo diễn Lê Văn Kiệt), Con ma nhà họ Vương (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng), Quả tim máu (Victor Vũ), Bệnh viện ma (đạo diễn Võ Thanh Hòa),...
Từ khi ra đời, phim kinh dị Việt Nam vẫn chưa thỏa mãn được người xem dù số lượng nhiều và đề tài đa dạng. Nhiều bộ phim diễn đạt phim kém, thiếu sáng tạo, tạo hình các nhân vật không mấy ấn tượng. Đặc biệt là mức độ kinh dị chưa tới, như Khi yêu đừng quay đầu lại (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh) có một câu chuyện khởi đầu khá tốt nhưng càng về cuối càng nhạt dần và không có gì bất ngờ ngoài hụt hẫng. Xem xong chỉ thấy một câu chuyện tình vừa lãng mạn như thần thoại Hy Lạp vừa chứa đựng nhiều điều bí ẩn.
Ngoài cách kể chuyện không mới, phần lớn phim kinh dị đan cài yếu tố sex và hài hước, mà không chú trọng về tình tiết gây thót tim vốn cần thiết cho thể loại này, phim Con ma nhà họ Vương được nhiều khán giả nhận xét đi xem phim ma nhưng cả rạp toàn thấy tiếng cười và những cảnh nóng khoe thân của các diễn viên trong phim. Ngay mở đầu của phim là cảnh Nam (La Quốc Hùng) và Khánh (Tiến Vũ) mình chỉ mặc độc một chiếc quần đùi mỏng đạp xe đạp.
Sau đó là màn tắm hồ được quay đặc tả rồi đến cảnh Khánh trần như nhộng núp sau lưng Nam. Sau khi Nam lỡ tay đâm chết bạn nhậu đã trốn chạy lên thành phố mưu sinh bằng nghề bốc vác ở chợ. Cảnh Nam làm việc ở chợ cũng được tận dụng tối đa cận cảnh từng cơ thể của các nam cửu vạn 6 múi. Ý đồ “khoe thân” quá lộ liễu khi thân hình của các cửu vạn đều trắng muốt, chuẩn 6 múi và đẹp đến phi thực tế.
Nhưng cạnh đó, vẫn có những tín hiệu đáng mừng như Quả tim máu, Đoạt hồn và Scandal 2 của dòng phim này. Với những khán giả là fan của phim kinh dị có thể vẫn chưa thấy thỏa mãn nhưng nó đã đáp ứng được đại đa số người xem. Đoạt hồn đã cho nhân vật tỉnh cơn ác mộng, nghĩa là hơn 90 phút sống động, lôi cuốn là không có thật.
Phim kém hay do bị “bó” bởi… luật?
Rất nhiều khán giả cho rằng, các nhà làm phim của chúng ta vẫn chưa tìm ra bản sắc cho dòng phim kinh dị. Xét về các yếu tố kỹ thuật như: Âm thanh, hình ảnh, hóa trang, kỹ xảo, bối cảnh, phim kinh dị Việt tiến bộ rất rõ trong vài năm qua. Nhưng kịch bản nói chung của các phim này và của phim kinh dị Việt thường nhạt, nhảm, khó đọng lại trong trí nhớ khán giả sau khi phim không còn chiếu nữa.
Cái khó nhất của phim kinh dị, theo một số nhà làm phim chia sẻ, chính là Luật Điện ảnh. Việc cấm tuyên truyền mê tín dị đoan đôi khi đã là một cánh cửa khá hẹp để các nhà làm phim có thể lách qua.
Lý giải về việc yếu tố kinh dị chưa đủ hút khán giả, đạo diễn Charlie Nguyễn từng cho rằng, do ranh giới giữa mê tín dị đoan và phim kinh dị khá mập mờ nên nhiều nhà sản xuất không dám “làm tới” vì sợ phim không được ra rạp. Theo khoản 2, Điều 9 trong Nghị định 54 của Luật Điện ảnh, các hình ảnh, âm thanh, chữ viết thể hiện sự dung thứ với tệ nạn xã hội, gây cảm giác hoảng loạn, mê muội trước các lực lượng siêu nhiên, ma quái bị cấm trong hoạt động điện ảnh.
Còn đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết: “Phần lớn những phim kinh dị ở Việt Nam mở đầu câu chuyện bằng ma quỷ nhưng kết thúc bằng âm mưu dàn dựng của con người nhằm triệt hạ, dằn mặt một ai đó, luật nhân quả. Mô-tuýp quen thuộc, dễ đoán này khiến khán giả mất dần háo hức trước mỗi phim mới ra rạp”.
Trong khi đó, một đạo diễn trẻ giấu tên cho biết: “Các nhà làm phim luôn cố gắng lách hết mức có thể để vượt qua rào cản này và vì vậy làm giảm đi phần nào tính sáng tạo, mức độ hù dọa và hạn chế đề tài của phim. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất để tạo ra những bộ phim kinh dị hay vẫn là trình độ của nhà làm phim Việt Nam chưa thể bằng với thế giới”.
Trong khi màn ảnh rộng đang cố lách để vừa Luật Điện ảnh với dòng phim kinh dị, thì mới đây, vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy, Lê Kiều Như đã làm những bộ phim kinh dị Người câm biết hát, Giọng hát ma và phát sóng trên Youtube. Đây là câu chuyện về một siêu linh hồn trải qua ngàn kiếp vẫn đi tìm người yêu và “nhập” vào giọng hát trong một máy cassette ma bỏ trong ngôi nhà hoang. Diễn viên Lê Kiều Như cho rằng: “Phim làm chiếu trên truyền hình và mạng xã hội nên cũng ít bị cắt vì kiểm duyệt hơn”
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận