Chất lượng sống

Cúm A H7N9 tiến gần biên giới với tốc độ chóng mặt

21/02/2017, 09:35
image

Chiều 20/2, Bộ Y tế phối hợp với các ngành liên quan tổ chức họp khẩn bàn biện pháp chống dịch bệnh cúm AH7N9.

thuong lai bau len xe tranh cuop hang

Xe chở gia cầm vào chợ Hà Vỹ không được kiểm dịch, phun xịt khử trùng.

Hơn 40% ca mắc cúm A H7N9 đã tử vong

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch cúm A H7N9 tại Trung Quốc, virus cúm này đang tiến tới gần biên giới với tốc độ gia tăng rất nhanh. “Tính tới thời điểm hiện tại, số ca mắc H7N9 trong đợt dịch này đã lên hơn 425 ca. Bên cạnh đó, cúm A H5N1 tiếp tục được phát hiện tại biên giới Campuchia”, ông Long nhấn mạnh.

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ghi nhận tại Trung Quốc, cúm A H7N9 chủ yếu ở khu vực phía Đông Nam, tại các tỉnh giáp với Việt Nam như Vân Nam và Quảng Tây. “Tỷ lệ ca mắc tử vong cao lên tới trên 40%. Tiền sử các ca bệnh đều đã tiếp xúc với gia cầm, đồng thời xuất hiện chùm ca bệnh, tuy nhiên chưa chứng minh được lây nhiễm giữa người và người”, ông Phu nhận định.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng khẳng định, tính đến thời điểm này, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh mắc cúm A H7N9. Với cúm A H5N1, hai năm qua cũng không phát hiện trường hợp nào trên người cho dù trước đó, năm 2013, Việt Nam từng có số ca mắc và tử vong cao, đứng thứ 3 khu vực. “Không để người dân hoang mang nhưng phải cảnh giác phòng bệnh. Không để người dân sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, nhập lậu; Các tỉnh phải phối hợp với các ngành như: Công an, nông nghiệp, công thương trong kiểm soát dịch bệnh. Ngăn chặn được chủng cúm trên gia cầm là phòng được lây nhiễm cúm lên người”, ông Phu cho biết.

Ông Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, xét nghiệm 41 trường hợp viêm đường hô hấp cấp nặng chỉ thấy liên quan đến cúm mùa thông thường.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện toàn quốc có 12 điểm kiểm soát dịch bệnh. “Tới đây, ngành Y tế tăng giám sát trên người, đặc biệt với khu vực giao lưu khách du lịch như Nha Trang, các khu vực giáp với vùng biên giới Trung Quốc… Đồng thời, mở rộng đối tượng lấy mẫu, những ca có biểu hiện cúm sẽ đưa vào lấy mẫu giám sát. Bên cạnh đó, sẽ tính đến phương án xét nghiệm mẫu cộng đồng, ưu tiên người vận chuyển, tiếp xúc với gia cầm”, ông Long nói.

Lơ là phòng dịch

Trước thông tin cảnh báo dịch cúm A H7N9 có thể xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã gửi công văn đề nghị các địa phương và các ngành liên quan tăng cường giám sát dịch bệnh trên gia cầm; Lưu ý việc nhập giống, nhập lậu gia cầm, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc. Tương tự, Bộ NN&PTNT cũng đã có công văn gửi các tỉnh biên giới phía Bắc: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang về tăng cường các biện pháp ngăn chặn virus cúm gia cầm A H7N9 và các chủng virus cúm khác xâm nhập vào Việt Nam.

Tuy nhiên, ngày 20/2, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông tại một số chợ đầu mối gà, vịt lớn của Hà Nội, công tác kiểm dịch đảm bảo an toàn vệ sinh dường như vẫn đang bị lơi lỏng. Cụ thể, tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (xã Lê Lợi, Thường Tín, Hà Nội), không khó để bắt gặp những xe chở hàng tấn gia cầm từ mọi ngả đổ về, cùng với đó là hàng chục ki-ốt kinh doanh gia cầm với số lượng lớn. Khu chợ này có bốn cổng ra vào nhưng chỉ có hai chốt kiểm tra liên ngành và hai máy xịt khử trùng tiêu độc. Trong chợ, một chiếc máy phun khử trùng đã cũ, bụi bám đầy, mạng nhện giăng đầy ổ cắm như đã lâu không được dùng tới.

Trong 2 tháng đầu năm 2017 đã phát hiện 3 ổ dịch cúm gia cầm H5N1. Riêng hôm 20/2 tại huyện Trực Ninh, Nam Định phát hiện ổ dịch cúm H5N1 trên gia cầm, tiêu hủy hơn 4 nghìn con và đã công bố dịch”.

Ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT

Khi được hỏi về việc kiểm dịch, khử trùng cho gia cầm, anh T. cùng nhiều tiểu thương tại chợ Hà Vỹ đều cho biết: “Hàng nào về đây cũng phải có giấy tờ và xe nào cũng phải xịt khử trùng rồi mới được vào chợ”.

Tuy nhiên, thực tế khi PV có mặt tại đây, đã chứng kiến cảnh nhiều xe tải loại hơn 1 tấn chở đầy ắp gia cầm, không cần xịt khử trùng tiêu độc, hiên ngang đi vào cổng. Thậm chí, ngày “cháy hàng”, có xe chưa kịp vào cổng nhiều tiểu thương đã lao ra, đu nhảy lên thùng hàng tranh cướp gà, vịt ngay trước cửa chốt kiểm tra liên ngành.

Đáng nói, tại những ki-ốt buôn bán gia cầm trong chợ, việc tiêu độc khử trùng được giao cho các chủ hàng “tự xử”. Chia sẻ với PV, một chủ hàng nhanh nhảu cho biết: “Bên quản lí cho thuốc để mình tự phun xịt và khử trùng, mỗi tuần xịt một lần, hoặc rắc vôi khử trùng”.

Chưa hết, ngay trước cửa chợ Hà Vỹ có đến chục quầy giết mổ gia cầm đang hoạt động. Gà vịt làm lông xong vứt thành đống, những xô đựng nội tạng và uế thải bỏ đi của gia cầm không được che đậy bốc mùi hôi tanh. Do không được khử trùng và vệ sinh thường xuyên nên tại đây lúc nào cũng đặc quánh mùi thối.

Tương tự tại chợ Săn (Thạch Thất, Hà Nội), nơi cung cấp lượng lớn thịt gia cầm và gia cầm sống ra thị trường, PV Báo Giao thông cũng ghi nhận tình trạng phòng dịch hết sức chủ quan. Theo đó, tất cả thịt gà có mặt tại chợ, đều không có dấu kiểm tra của bất kì cơ quan nào. Khi được hỏi, một chủ hàng tên H. nói: “Ở đây thịt gà mà có dấu là người mua họ ghê, họ không mua”. Nói về việc phun xịt tiêu độc và phòng bệnh tại đây, ông Ngọc, người dân tại cổng chợ Săn cho biết: “Trước đây cũng xịt đấy, nhưng từ Tết đến giờ chợ họp cả chục phiên rồi chưa thấy xịt hay vệ sinh lần nào”!

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.