Vận tải

Cước chạm đáy, vận tải biển tiếp tục gặp khó

08/03/2017, 16:08
image

Tình hình chung vận tải biển năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 vẫn rất khó khăn.

3

Tàu biển gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với tàu sông pha biển - Ảnh: Tạ Tôn

Chở một tấn thép, được... 2 bát phở

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trịnh Quốc Đạt, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải biển Diêm Điền (Thái Bình) cho biết, tình hình chung vận tải biển năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 vẫn rất khó khăn. Giá cước quá thấp, hàng ít nên các doanh nghiệp vận tải biển đa phần gặp khó.

“Tàu chở sắt thép từ TP.HCM ra Hải Phòng có giá cước quá thấp, chỉ khoảng 80 nghìn đồng/tấn. Còn cước chở gạo cao hơn một chút, được 130 nghìn đồng/tấn, chỉ bằng 2 hoặc 2 - 3 bát phở ở Hà Nội. Hàng ít, cước thấp nhưng tàu vẫn phải chạy để lỗ ít hơn”, ông Đạt than thở và cho biết thêm, với mức cước như hiện nay chỉ đủ trả lương thuyền viên, tiền dầu, trả được 50% vay vốn ngân hàng, ngoài ra không có tích lũy để tái đầu tư, khấu hao tài sản.

Theo một lãnh đạo Vinalines, để giảm bớt khó khăn trong hoạt động vận tải biển, đơn vị này sẽ tái cơ cấu đội tàu, thu hẹp quy mô đội tàu không hiệu quả; Bên cạnh đó, nâng cao thị phần vận chuyển hàng xuất nhập khẩu, hàng nội địa và tham gia thị trường châu Á; Tìm kiếm cơ hội liên kết, hợp tác hoặc tham gia liên minh vận tải biển quốc tế tại các cảng trung chuyển lớn của Singapore và Hồng Kông thông qua việc Vinalines cung cấp dịch vụ vận chuyển tới VN hoặc dịch vụ nối chuyến cuối cùng cho chủ tàu và chủ hàng... 

Theo ông Đạt, nguyên nhân do tàu SB quá nhiều đã lấy đi phần lớn đơn hàng, ép giá cước thấp xuống do loại tàu này có chi phí đầu tư ít, tiêu chuẩn thuyền viên thấp hơn tàu biển. Hơn nữa, hiện nay nhiều tàu SB chạy thẳng từ Quảng Ninh vào TP HCM luôn như tàu biển. Vậy nên tàu biển rất khó cạnh tranh, rơi vào bế tắc. Hiệp hội Vận tải biển Diêm Điền có khoảng 300 chiếc tàu vận tải từ 2.000 - 5.000 tấn, vận chuyển chủ yếu là than, xi măng, phân bón từ các tỉnh phía Bắc vào Nam và chở sắt thép, gạo từ miền Nam ra Bắc.

Còn ông Phạm Ngọc Hà, đại diện Công ty CP Vận tải Nhật Việt cũng cho biết, vận tải biển vẫn chưa hết khó khăn. Các doanh nghiệp mong chờ sự hồi phục từ nhiều năm nay nhưng chưa có dấu hiệu khả quan. Doanh nghiệp thua lỗ nhiều.

“Những năm 2012 - 2013, nhiều doanh nghiệp vận tải biển cho rằng, đây là thời điểm thực sự khủng khoảng, vận tải sẽ chạm đáy rồi hồi phục, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, cước vận tải vẫn thấp. Đội tàu của công ty vẫn chạy đều liên tục, nhưng do giá cước thấp nên doanh thu, lợi nhuận giảm”, ông Hà nói và lý giải nguyên nhân giá cước thấp do tình hình chung của thế giới. Nhiều công ty vận tải biển trong nước chủ yếu dựa vào nguồn cung từ nước ngoài nên bị lệ thuộc, trong khi đó trình độ quản lý chưa cao, lại vấp phải sự cạnh tranh gay gắt lẫn nhau nên đã đẩy giá cước ngày càng thấp đi. Nhiều lúc cảm tưởng chỉ cần công ty nước ngoài chọn thuê tàu định hạn là tốt rồi, nên giá cước bị áp đặt.

Những khó khăn đối với doanh nghiệp vận tải biển tư nhân là vậy, còn doanh nghiệp vận tải Nhà nước cũng phải đối mặt với thực trạng sản lượng vận tải liên tục sụt giảm những năm qua. Theo thống kê của Tổng công ty Hàng hải VN, nếu như năm 2013, đội tàu của Vinalines vận chuyển được 28,2 triệu tấn, đến năm 2015 chỉ vận chuyển hơn 22 triệu tấn. Sang năm 2016 sản lượng vận chuyển tăng hơn một chút, lên hơn 24 triệu tấn.

Cũng theo Vinalines, vận tải biển đang lỗ do chỉ số BDI (chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic) liên tục chạm đáy, bên cạnh đó giá cước sụt giảm mạnh khiến đội tàu lỗ tăng 22% so với năm 2015.

Xem thêm video:

Sẽ tiếp tục khó

Dù sản lượng vận tải năm 2016 đã tăng một chút so với năm 2015, tuy nhiên nhiều chuyên gia trong lĩnh vực vận tải biển nhận định, năm 2017 vẫn rất khó khăn. Các số liệu thống kê cho thấy nguồn cung năng lực vận tải thế giới trong năm 2016 đã tăng 2,25% trong khi nhu cầu thực tế chỉ tăng 2,17%. Trong năm 2016, có 29 triệu tấn DWT tàu hàng rời bị phá dỡ nhưng đóng mới đến 47 triệu DWT và theo dự báo của BIMCO, trong năm 2017, tốc độ tăng năng lực vận tải là 1,6%. Điều này là nguyên nhân chủ yếu làm cho giá cước giảm.

Vậy đội tàu VN sẽ ra sao trong năm 2017? Đây vẫn là năm nhiều thách thức với đội tàu VN khi do nguồn hàng vẫn chưa tốt. Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải biển Diêm Điền Trịnh Quốc Đạt, cần sớm chấn chỉnh hoạt động của loại tàu SB, tàu này phải hoạt động đúng quy định, không thể cho phép chạy từ Bắc - Nam như hiện nay, bên cạnh đó tháo gỡ khó khăn, giảm lãi suất cho các chủ tàu trong việc vay vốn đầu tư đóng tàu.

Ông Phạm Ngọc Hà, đại diện Công ty CP Vận tải Nhật Việt cho rằng, cơ chế chính sách trong vấn đề vận tải biển hiện nay cần được sớm tháo gỡ và thực thi. Bởi thực tế, rất nhiều chính sách đang được thực hiện muộn khiến các chủ tàu mất thời cơ vận chuyển đơn hàng lớn. Đơn cử như quy định bắt buộc phải có định biên sĩ quan điện trên tàu. Chính quy định này khiến nhiều chủ tàu không dám cho tàu chạy ra tuyến quốc tế vì chưa bố trí đủ chỉ tiêu; Trong khi đó để tuyển được một sĩ quan điện theo tàu rất khó. “Thật may là sau nhiều kiến nghị, Cục Hàng hải VN đã quyết định bãi bỏ quy định này”, ông Hà nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.