Vụ thảm sát tại tòa soạn Charlie Hebdo đặt châu Âu trong mối lo an ninh mới |
Chia sẻ để chống lại những mối đe dọa
Sau các vụ thảm sát và bắt cóc con tin tại Paris (Pháp) hồi tuần trước, giới chức Mỹ cho biết, nước này sẽ chủ trì một hội nghị thượng đỉnh về Chống cực đoan bạo động nhằm ngăn chặn trước khi vụ việc xảy ra. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder đã gặp giới chức an ninh châu Âu tại Paris hai ngày trước cho rằng, các nước cần chia sẻ thông tin với nhau để chống lại những mối đe doạ như thế.
Hội nghị thượng đỉnh cũng sẽ trao đổi kinh nghiệm giữa các nước trong việc tìm cách ngăn chặn việc tuyển mộ chiến binh nước ngoài của các tổ chức cực đoan. Hội nghị này có thể sẽ được tổ chức vào ngày 18/1 tới.
Hội nghị cũng sẽ có sự tham gia của các nhà giáo dục, các chuyên gia về sức khỏe tâm thần, các nhà lãnh đạo tôn giáo, nhân viên thực thi công lực, khu vực tư nhân và cộng đồng kỹ thuật.
"Chia sẻ thông tin trong các quốc gia với nhau là điều cấp thiết trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan, để chúng ta luôn có thể kiềm chế các mối đe doạ này. Một quốc gia tự mình không thể hy vọng ngăn chặn được khả năng khủng bố ngay cả trong biên giới riêng của mình”. Eric Holder Bộ trưởng Tư pháp Mỹ |
Người phát ngôn Nhà trắng Josh Earnest tuyên bố, điều này đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết sau những vụ tấn công ở Ottawa (Canada), Sydney (Australia) và nay là Paris (Pháp). Còn ông Holder thì nói rằng: “Mối đe dọa hiện nay, thực sự xuất phát từ các chi nhánh của Al-Qaeda, và chủ yếu trong số này sẽ là Al-Qaeda ở Bán đảo Ả Rập”.
Trước khi hội nghị diễn ra, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đến Pháp vào cuối tuần này để dự các cuộc đàm phán về chống bạo lực cực đoan.
Chuyên gia Jonathan Schanzer, Phó chủ tịch Quỹ Phòng vệ dân chủ ở Washington nhận định rằng, các biến cố ở Paris dường như lại khiến chính quyền của ông Obama tập trung trở lại vào hiểm họa đến từ chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, ông Schanzer cũng nói rằng, không chắc những vụ tấn công ở Pháp tuần trước có làm thay đổi cơ bản đường lối của châu Âu về khủng bố hay không.
Bảo hiểm rủi ro khủng bố
Hôm qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama ký ban hành dự luật nối lại chương trình bảo hiểm rủi ro liên quan tới khủng bố. Dự luật này được xây dựng sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Luật Bảo hiểm rủi ro khủng bố cung cấp hỗ trợ bảo hiểm liên bang cho chủ sở hữu các tòa nhà cao tầng, sân vận động, trung tâm mua sắm và các dự án quy mô lớn có nguy cơ phải đối mặt với khủng bố. Theo đó, các tổ chức sẽ được Chính phủ bồi thường 100 - 200 triệu USD cho các thiệt hại do tấn công khủng bố.
Trước đó, ngày 9/1, với 93 phiếu thuận và 4 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn dự luật này, sau khi Hạ viện thông qua một ngày trước đó. Ông Josh Earnest cho biết, chính quyền Obama từng thất vọng do dự luật này bao gồm cả những biện pháp không liên quan như: Miễn thủ tục về vốn cho những chủ sở hữu trang trại gia súc, các doanh nghiệp năng lượng…
Liên quan tới các dự luật đang được Quốc hội Mỹ xem xét, cùng ngày, Nhà Trắng cảnh báo Tổng thống Obama sẽ phủ quyết dự luật ngân sách dành cho Bộ An ninh Nội địa Mỹ của Hạ viện do các biện pháp có thể chặn đứng chính sách nhập cư hiện nay.
Năm 2015 được dự báo sẽ có nhiều sóng gió, bế tắc trong chính trường Mỹ. Ngay khi bắt đầu họp khóa 114 đầu năm 2015, Hạ viện Mỹ đã thông qua nhiều dự luật gây tranh cãi như Dự án Keystone XL…
Còn Nhà Trắng thì tuyên bố, Tổng thống Obama sẽ không ngần ngại sử dụng quyền Hiến định phủ quyết những dự luật để bảo vệ các chương trình, dự luật của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu một dự luật được cả hai viện thông qua với 2/3 số phiếu thì đương nhiên trở thành luật, không cần tổng thống phê chuẩn.
Thanh Huyền
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận