Bản vẽ chi tiết tòa nhà đại sứ kèm theo những vật lạ Chủ tịch cuối cùng của KGB, Vadim Bakatin |
“Món quà quý giá của người đứng đầu cuối cùng KGB tặng Đại sứ Mỹ là gì?”. Đó là nguyên văn bài viết đăng trên tờ Độc Lập của Nga số ra gần đây nói về “chiến tích” tệ hại nhất mà Chủ tịch KGB đã làm trước khi Liên Xô tan rã.
“Cuộc chiến điện tử”
Cho mãi tới hơn 20 năm sau, kể từ khi chính sách cải tổ của Gorbachev sụp đổ, người dân Xô Viết mới bàng hoàng biết tin Vadim Bakatin, vị Chủ tịch cuối cùng của KGB (Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô), đã trao cho Đại sứ Mỹ tại Moscow Robert Strauss món quà đặc biệt, gồm 74 bản sơ đồ chi tiết các thiết bị theo dõi và nghe lén siêu hiện đại, mà Cơ quan An ninh Xô Viết bí mật lắp đặt tại địa điểm mới của Tòa đại sứ Mỹ ở Moscow. Hành vi động trời này khiến cả ban lãnh đạo Liên Xô lẫn KGB ngỡ ngàng bởi nó “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử chính trị cũng như tình báo Xô Viết.
Câu chuyện bắt đầu vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, khi Bộ Ngoại giao Liên Xô nhận được khoản ngân sách để xây mới hơn hai chục đại sứ quán ở nước ngoài. Cùng trong thời gian này, Mỹ cũng khởi công xây dựng công trình tương tự tại Moscow. Cả Washington và Moscow đều hiểu rõ và bắt đầu triển khai các biện pháp đối phó, thanh tra, giám sát, theo dõi chặt chẽ hành động của các thợ xây dựng địa phương tại tất cả các hạng mục công trình. Tuy nhiên, trên thực tế không thể nào làm xuể, bởi trên công trường xây dựng rất đông người tham gia, thuộc các chuyên ngành khác nhau, lao động thường xuyên phải thay đổi do nhu cầu của dự án.
Đối với công trình xây dựng sứ quán ở Moscow được đặt dưới sự kiểm soát toàn diện của KGB. Cơ quan an ninh thực hiện kết hợp công tác nghiệp vụ, kỹ thuật, tổ chức những sự vụ lộn xộn nhằm cản trở các chuyên gia Mỹ kiểm tra, kiểm kê các vật liệu xây dựng nhập khẩu và các bộ phận đúc sẵn được chở đến từ các nhà máy bê tông ngoại ô Moscow. Còn tại Thủ đô Washington DC, việc xây dựng tòa sứ quán mới của Liên Xô do một công ty tư nhân lớn nhất của Mỹ đảm nhận.
Tại Moscow, chuyên gia Mỹ cũng bắt đầu một cuộc kiểm tra hệ thống các kết cấu xây dựng. CIA đã phát hiện những mẩu dây cáp xoắn vào nhau và những thiết bị lạ được làm từ kim loại, đây là những vật dụng về nguyên tắc không được phép đưa vào. Phía Mỹ gọi đây là “tai mắt điện tử KGB”. Để đáp lại, tháng 2/1980 tại Mỹ, các nhà ngoại giao Liên Xô đã công bố báo cáo, phát hiện hơn một chục thiết bị nghe lén được Mỹ cài đặt trong công trình đại sứ quán tại Moscow, thậm chí còn tìm thấy những con rệp trong lõi một cột bê tông lớn, trên đó còn ghi cả dòng chữ tục tĩu.
Đích thân Đại sứ Mỹ đã đến gặp và trao cho Gorbachev những bức ảnh về các vật dụng khả nghi trong khung của các tòa nhà đang xây dựng. Ông Gorbachev tuy bối rối nhưng cố xoa dịu bằng cách ra lệnh cho Chủ tịch KGB Kryuchkov ngay lập tức dừng tất cả các công việc theo dõi xây dựng sứ quán vào năm 1986.
Món quà Vadim Bakatin là gì?
|
Lối thoát bế tắc trên vụt đến một cách tình cờ, nói đúng hơn, Vadim Bakatin đã vô tình được đặt vào vị trí chiếc ghế chủ tịch KGB và được sự ủy nhiệm của hai vị tổng thống lúc đó là Yeltsin và Gorbachev, Bakatin đã trao lại cho Đại sứ Mỹ tại Moscow một bộ các bản vẽ cùng bản hướng dẫn ngắn gọn viết trên một tờ giấy, trong đó liệt kê, đánh dấu các cây cột, xà, dầm có đặt các trang thiết bị đặc biệt cũng như các thiết bị được ký hiệu bằng những thuật ngữ đặc biệt.
Điều gì đã thúc đẩy Bakatin làm điều này? Nhiều người phỏng đoán, có thể Bakatin muốn làm hài lòng Gorbachev và Yeltsin, hoặc cũng có thể là do các cố vấn Mỹ ở Moscow lúc đó gợi ý. Và cũng không loại trừ sự nông nổi thường tình của vị chủ tịch cuối cùng của KGB, khi không hiểu hết tầm quan trọng về hành động của mình, hoặc cũng có thể đơn giản là do Bakatin muốn thể hiện sự khác thường vào thời điểm mà các trò chơi chính trị đang đi vào đoạn kết.
Với việc làm tệ hại nhất của mình trên cương vị Chủ tịch cuối cùng KGB, V. Bakatin đã góp phần khiến thể chế Liên Xô nhanh chóng sụp đổ. Trước đó, ngay từ khi còn giữ cương vị đầy quyền uy ở Bộ Nội vụ, đích thân Bakatin đã khơi mào cho sự ly khai của các nước cộng hòa trong vùng Baltic, cũng là những địa danh đầu tiên tách ra khỏi Liên bang Xô Viết.
Liên quan đến “món quà Bakatin”, nhiều người cho rằng, phía Mỹ đã quá rõ những mưu mẹo của KGB cho nên không thể tin hoàn toàn vào những tài liệu mà KGB đã trao và cho rằng, người Nga có thể còn những hệ thống tiếp nhận thông tin khác chưa triển khai, đang chờ đến thời điểm thích hợp mới đưa vào sử dụng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận