Kinh tế

Cuộc chiến "thắng, thua" cắt giảm điều kiện kinh doanh

02/01/2019, 07:00

Dù thừa nhận "Chính phủ đã thực sự hành động vì doanh nghiệp và lòng tin của DN với Chính phủ đã tốt lên"...

14

Nhiều điều kiện kinh doanh được coi là bãi bỏ nhưng thực chất chỉ mới được sửa đổi như Nghị định 83/2014 về xăng dầu - Ảnh: Khánh Linh

“Tôi không nghĩ lại khó như vậy”!

Là đơn vị “kiến trúc” của công cuộc cải cách môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cuối năm 2018 đã thực hiện công việc khó khăn là thống kê, đánh giá lại kết quả sau một năm thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh. Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM cho biết, trên cơ sở khoảng 5.200 điều kiện kinh doanh trong 400 văn bản khác nhau đã được thống kê từ trước đó, năm 2018 CIEM đã rà soát được 36 nghị định quy định điều kiện kinh doanh, có 88 nghị định được sửa đổi bổ sung. “Chúng tôi phải trộn 36 nghị định và 88 nghị định trên với nhau để xem quy định nào được bãi bỏ, cái nào thay thế, sửa đổi và cái nào thêm mới”, ông Hiếu nói.

Con số nhìn đơn giản như vậy nhưng khi bắt tay vào khối lượng công việc khiến ông Hiếu “choáng” vì “không nghĩ là quá nhiều như vậy” khi các văn bản, các thủ tục đan xen, muốn làm 1 nghị định phải đọc thêm 3 - 4 nghị định khác, hàng trăm trang giấy. Các chuyên gia, cán bộ của CIEM phải làm việc liên tục ngày đêm.

Ví dụ, Nghị định 08/2018 sửa đổi bổ sung Nghị định 83/2014 về xăng dầu nói là được bãi bỏ nhưng chỉ được coi là sửa đổi. Còn Nghị định 87 về kinh doanh gas đã gần như bãi bỏ điều kiện kinh doanh trước, chỉ còn lại 3 - 4 điều kiện thì được coi là thay thế mới hoàn toàn… Ông Hiếu cho biết, trong số 5.200 điều kiện kinh doanh ở trên có gần 3.000 điều kiện chưa có động thái thay đổi. Số còn lại 2.204 điều kiện đã qua tác động thì sửa đổi là 542 điều kiện, bãi bỏ và bổ sung 771 điều kiện, thay thế 98 điều kiện, bổ sung mới 29 điều kiện, tái sinh 1 thủ tục…

Một số bộ có kết quả thực hiện tốt như Bộ Công thương, Bộ TT&TT, Bộ GTVT, Bộ TN&MT… Bộ bị đánh giá “bét bảng” là Bộ NN&PTNT. “Chiếu theo yêu cầu của Chính phủ, cả cái đã sửa đổi và bãi bỏ chỉ tương đương 34%. So với yêu cầu 50% của Chính phủ thì không đạt”, ông Hiếu kết luận. Đáng chú ý là con số 34% ông Hiếu đưa ra mới chỉ là số sơ bộ đo lường trên văn bản và CIEM đã rộng rãi tính cả Nghị định đang nằm trên bàn chờ Thủ tướng phê duyệt. Nhưng 34% này là tính trên hơn 2.200 điều kiện có tác động. Còn nếu tính trên tổng số 5.200 điều kiện, như ông Cung kiểm kê, thì kết quả còn chưa đạt 20%.

15

PGS. TS. Trần Đình Thiên

“Nó khó vì cơm ăn, áo mặc của cán bộ đều ở đó”

Là “kiến trúc sư trưởng” của đợt cải cách điều kiện kinh doanh lần này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM tỏ ra thất vọng. Nhìn lại những đợt cải cách trước đó đưa ra với mục tiêu rất tốt nhưng cuối cùng rơi vào nửa vời, ông Cung nói: “Đầu tiên là từ Luật Doanh nghiệp 2005 đã khẳng định chỉ có luật, nghị định mới được ban hành điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, quyết định này về cơ bản không có hiệu lực, rất nhiều điều kiện kinh doanh vẫn nằm ở thông tư. Luật Doanh nghiệp 2005 cũng yêu cầu các Bộ hàng năm phải rà soát các điều kiện kinh doanh và kiến nghị bổ sung, bãi bỏ nhưng cũng không ai làm”.

"Hãy giao khoán theo công việc. Ví dụ, nếu giải quyết được 500 thủ tục 1 năm và không bị DN kêu thì được khoán chi phí 50 tỷ đồng. Năm sau, khoán 50 tỷ nhưng thời gian thực hiện còn 3 - 6 tháng thôi. Năm tiếp theo khoán công việc lên gấp đôi… Phải thay đổi như thế. Nếu DN kêu thì người đứng đầu ra đi. Nhưng chuyển động như thế không phải mình Chính phủ quyết được bộ máy."

PGS. TS. Trần Đình Thiên

Và khi không ai để ý, thời kỳ năm 2007 - 2008 hàng loạt nghị định ồ ạt được ban hành, số lượng điều kiện kinh doanh đã bãi bỏ giai đoạn năm 2000 - 2003 ngang nhiên phục hồi lại không những đầy đủ mà còn tăng thêm. Rồi Luật Doanh nghiệp 2014 cũng nhắc lại lần nữa về điều kiện kinh doanh và yêu cầu đến năm 2016 (thời hạn 2 năm) phải chuyển đổi, chỉ nghị định mới được ban hành điều kiện kinh doanh, ở dạng thông tư sẽ hết hiệu lực. Hai năm liền cũng ít người làm. Đến 3 tháng cuối cùng thì dồn dập chuyển đổi và khiến cơ quan Nhà nước không đủ thời gian thẩm định.

“Chúng tôi và VCCI cũng không đủ nguồn lực lẫn thời gian thẩm định một cách độc lập. Và cuối cùng, ban hành ào ào, chất lượng không đạt và phải đưa Nghị quyết số 49 thực hiện. Từ năm 2000 đến nay, bao nhiêu kiến nghị thay đổi được đưa ra nhưng phần nhiều đều không được thực hiện. Và đợt này cũng chưa thành công. Con đường rất nhiều nhưng có làm được không thì lại khác, khó là ở chỗ đó”, Viện trưởng CIEM tâm sự.

“Nó khó vì tiền bạc người ta ở đó, cơm ăn, áo mặc, con cái đi học, phúc lợi giàu sang đều ở đó (lợi ích điều kiện kinh doanh cài cắm mang lại - PV). Lương lậu chỉ để người ta nhận hồ sơ rồi ngâm tôm. Cái việc làm của người ta ở những cái kia. Mang oản, chuối lên mới chịu làm”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nêu thực trạng. Ông Thiên nói, muốn bỏ những bất hợp lý trên thì phải thay đổi động lực và đi liền là cả một bộ máy nhân sự. “Lúc đầu khó lắm mà nay được như này là tốt. Đạt được 20% nhưng thực vẫn tốt. Khó mà ban đầu ta động được 20% thì tiếp tục động. Hòn đá tảng lung lay mà hò nhau mạnh tí nữa là nó long lên. Niềm tin nó quan trọng”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên vừa an ủi Viện trưởng CIEM, đồng thời bày tỏ tin tưởng vào công cuộc cải cách.

“1 lực sỹ chống lại 10 nghìn quân địch”!

TS. Lê Đăng Doanh đề nghị ông Cung kiến nghị lên Chính phủ có bộ lọc hiệu quả hơn “bởi nếu không cuộc chiến này thua là cái chắc”. Ông Doanh ví cuộc cải cách hiện nay như 1 lực sỹ chống lại 10 nghìn quân địch. “Chúng đông như quân Nguyên, hoạt động tích cực ngày đêm”, ông Doanh ví von. Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cũng đề nghị đặt quy trình kiểm soát việc ban hành văn bản mới. “Tôi tham gia nhiều quá trình soạn thảo nghị định, nghị định của Chính phủ nhưng dấu ấn của bộ, ngành rất lớn. Các bộ chỉ quan tâm hai câu hỏi: Có trao quyền cho bộ không? Có trao trách nhiệm hay không?”, ông Tuấn kể. Do đó, ông Tuấn đề nghị đơn vị ban hành văn bản phải là đơn vị độc lập. Hoặc chỉ cần giao cho Vụ Pháp chế các bộ chủ trì cũng đã giảm khá nhiều cài cắm hơn so với vụ quản lý trực tiếp.

Đại diện cho Hiệp hội của doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng thời gian tới cần ứng dụng CNTT nhiều hơn. “Tôi vào cổng thông tin của Singapore, không chỉ từng thủ tục online mà có tới 100 loại giấy phép của bộ, ngành đưa trên cổng. Người nước ngoài có thể thực hiện. Thủ tục xác nhận đơn giản, thời gian hoạt động dài hơn 8 - 20h; thủ tục minh bạch, cơ quan Nhà nước có thể tương tác hỗ trợ DN. Đây là mô hình mà Việt Nam có thể đi theo về dài hạn. Bởi, người ta lên đó là đối diện với Chính phủ chứ không phải bộ, ngành”, ông Tuấn đề xuất. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.