Người dân vẫn mỏi mắt đợi giá cước vận tải giảm |
Phổ biến chỉ giảm 2-5% cước
Sau 13 lần giảm giá liên tiếp, so với ngày 7/7/2014, tổng mức giảm của xăng đã lên tới 8.070 đồng/lít (31,5%); dầu diesel 6.190 đồng/lít (27,2%). Bà Lê Thị Lai, Trưởng phòng Giá, Cục Quản lý giá tính toán, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 25-35% (xe chạy xăng); 35-45% (xe chạy dầu) giá thành cước vận tải. Như vậy, tới thời điểm này, giá cước vận tải có thể giảm 10-15%.
Sau lần giá xăng giảm kỷ lục (22/12/2014), tại Hà Nội mới có 6 hãng taxi (Mai Linh, Thanh Nga, Tiến Thành, Anh Ngọc, Xuân Thành, Hoàng Gia); bốn doanh nghiệp vận tải khách (Hòa Bình, Thăng Long, Lạc Đà, Hồng Hà) giảm giá cước. Báo cáo của Sở Tài chính Hà Nội |
“1 km taxi có giá cước 12 nghìn đồng tức có khoảng 4.200 đồng tiền xăng dầu. Như vậy, taxi phải giảm 1.200-1.300 đồng/km (10-11%) thì mới phù hợp. Tương tự, một vé xe khách chạy tuyến Nam Định - Hà Nội có giá 70 nghìn đồng, phải giảm 7 nghìn -8 nghìn đồng/vé”, anh Tuyến, đã từng kinh doanh xe khách ở huyện Yên Khánh, Ninh Bình phân tích.
Tuy vậy, suốt từ tháng 7 đến nay, những DN vận tải đã giảm giá cũng chỉ phổ biến ở mức 2-5%, rất ít trường hợp giảm giá ở mức 8-10%. Bà Vương Thu Hằng, Trưởng phòng Giá, Sở Tài chính Hà Nội cho biết, 69/114 DN taxi đăng ký giảm giá cước, thì hơn 50 đơn vị giảm 200-500 đồng/km (2-5%); 15 đơn vị giảm 800 - 1 nghìn đồng/km (5-8%). Chỉ có ba trường hợp giảm 1.200-1.500 đồng/km (10-11%) là Mai Linh, Thiên Phong (taxi Thành Công) và Thanh Nga. Trong số 62 DN vận tải khách cố định trên địa bàn, mới có 15 đơn vị giảm giá cước phổ biến 4,6-7%; chỉ có bốn trường hợp giảm 10-15%. Đến nay, chỉ có 2/172 DN vận tải container giảm giá cước 3,4-3,9%...
Mức giảm giá 4-5% cũng khá phổ biến đối với các DN vận tải khách ở Đà Nẵng, TP HCM, Cần Thơ.
Đủ lý do neo giá
Dù xăng dầu vẫn đang đà giảm giá, nhưng tình trạng DN vận tải cố kìm hãm tăng giảm ngày nào hay ngày ấy đang khá phổ biến.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hoàng Quang Ngọc, Giám đốc Công ty Vận tải Hoàng Hà cho biết, hiện DN chưa có kế hoạch điều chỉnh giá cước dù đã ký kết nhiều hợp đồng vận chuyển cho năm 2015. Ông Ngọc lý giải, trước đây, một chuyến xe 50 tấn chạy Hà Nội - Hải Phòng, công ty thu của khách 7 triệu đồng, trừ các chi phí dọc đường, xăng xe, còn 2 triệu đồngtrả lương lái xe, khấu hao sửa chữa và tích lũy. Từ khi siết tải trọng xe, mỗi chuyến xe đó DN chỉ thu được 5,5 triệu đồng, nên phải co kéo các khoản để duy trì hoạt động. “Nay xăng giảm chúng tôi mới “dễ thở” hơn, nên khó có thể giảm giá cước”, ông Ngọc khẳng định.
Ông Nguyễn Thành Đô, Chủ nhiệm HTX Vận tải Thành Đô nêu lý do, DN đang phải chịu các chi phí tăng như phí sử dụng đường bộ, phí kiểm định, bảo hiểm, tiền lương, giá vật tư, đầu tư thiết bị GPS... nên cần thời gian tính toán, cân đối giá phù hợp.
Phó tổng Giám đốc taxi Ba Sao Phan Văn Nghiêm thì ngập ngừng cho hay, việc điều chỉnh giá cước đang được DN “tính toán, cân nhắc”. Còn nhớ, trong lần xăng dầu giảm giá kỷ lục gần nhất (22/12/2014), vị lãnh đạo của hãng taxi lớn có 600 đầu xe này cũng cho PV Báo Giao thông hay đang... “tính toán, cân nhắc”!
Phó tổng Giám đốc Mai Linh Đông Bắc Bộ, ông Nguyễn Công Hùng cho biết, Mai Linh đã thực hiện giảm giá từ 6/1 với mức giảm 500 đồng/km nhưng chỉ áp dụng cho dòng xe Kia. “Các dòng xe khác, Mai Linh đã giảm sâu trong tháng 11/2014 rồi”, ông Hùng nói.
Quỳnh Anh
Xe buýt Hà Tĩnh không chịu giảm giá vé Theo Sở GTVT Hà Tĩnh, hiện có 23/34 DN kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách trên địa bàn đã giảm giá cước vận tải, mức giảm 3-15%, 11 đơn vị giữ nguyên giá cước. Trong số các DN chưa giảm giá cước có CTCP vận tải ô tô Hà Tĩnh - đơn vị xe buýt “chủ lực” của Hà Tĩnh, đang khai thác năm tuyến xe buýt với gần 70 đầu xe. Trong khi cùng tuyến xe buýt TP Hà Tĩnh - TP Vinh nhưng giá vé của CTCP vận tải Đông Bắc (chi nhánh Nghệ An) đã giảm giá vé cách đây gần 15 ngày (gần 7% xuống còn 28 nghìn đồng/lượt). Trần Lộc |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận