Ngày ngày, ông Phan Tư Kỳ vẫn đến thăm nom, thắp hương lên từng ngôi mộ liệt sỹ |
Tháng 7, gió Lào nóng rực nhưng ngày ngày cựu binh Phan Tư Kỳ (65 tuổi, xã Triệu Trạch, Triệu Phong, Quảng Trị) vẫn cần mẫn trong bộ quân phục màu xanh, miệt mài nhổ từng bụi cỏ, thắp từng nén nhang trên các phần mộ nghĩa trang xã Triệu Trạch. “Đây cũng như nhà mình, anh em đồng đội tôi cả. Không lên nghĩa trang là thấy không yên lòng”, ông Kỳ tâm sự.
Tròn 15 tuổi, chàng thiếu niên Tư Kỳ đã tham gia cách mạng. Năm 1968, khi đang làm tại văn phòng Ủy ban kháng chiến xã Triệu Trạch, Kỳ bị địch bắt giam 9 tháng với tội danh “Tình nghi hoạt động cho cộng sản”. Bị tra tấn đủ kiểu, nhưng Kỳ quyết không khai báo nửa lời. Địch đành thả người.
Từ năm 1972 -1975, ông đã tham gia và trực tiếp chỉ huy lực lượng dân quân du kích xã chiến đấu 84 trận, trong đó có 17 trận hợp đồng chiến đấu với các đơn vị chủ lực, đánh tập kích, tiêu diệt trên 800 quân địch, bắn cháy 18 chiếc xe tăng bọc thép và 3 máy bay địch. Dũng cảm, mưu trí trong chiến đấu, ông Phan Tư Kỳ vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba và Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì; 8 lần được phong tặng danh hiệu Dũng sỹ, trong đó 5 lần đạt danh hiệu Dũng sỹ ưu tú và 3 lần đạt Dũng sỹ diệt xe cơ giới…
Hòa bình lập lại, ông tham gia hàng loạt trọng trách trên địa bàn: Chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Trách, Phó trưởng phòng nông nghiệp, Phó giám đốc Công ty Quản lý thủy nông Nam Thạch Hãn… Nhưng mối ân tình với đồng đội vẫn khiến ông hàng ngày đau đáu.
Năm 1992, ông Kỳ xin nghỉ hưu sớm, bắt đầu hành trình lặng thầm quản trang tại Nghĩa trang liệt sỹ xã nhà. Có thời gian ông còn dựng lán trại gần đó để ở cho tiện bề chăm sóc các phần mộ.
Nghĩa trang liệt sỹ xã Triệu Trạch là nơi an nghỉ của 610 liệt sỹ, trong đó có hơn 300 liệt sỹ chưa biết tên. Hầu hết họ đều chiến đấu ở chốt thép Long Quang - một trong những địa điểm trọng yếu của chiến dịch 81 ngày đêm lịch sử bảo vệ Thành cổ. Họ là những người kề vai sát cánh với ông Kỳ trong những tháng ngày khói lửa. “Bác Kỳ là một cựu chiến binh, người quản trang mẫu mực, tận tâm và đầy nhiệt huyết với công việc nghĩa tình. Hơn 15 năm thầm lặng “canh giữ” giấc ngủ cho đồng đội, bác đã truyền lại ngọn lửa yêu nước, đức tính hăng say lao động, giáo dục cho các thế hệ trẻ mai sau về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc. Bác là tấm gương sáng khiến chúng tôi vô cùng cảm phục và noi theo”, ông Nguyễn Phiếu, Chủ tịch UBND xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị cho biết.
Tuy nhiên, điều ông Kỳ đau đáu nhất là vẫn chưa thể “tìm lại tên” cho hàng trăm liệt sỹ ngay tại nghĩa trang xã Triệu Trạch. “Mong muốn lớn nhất của tôi là được chính quyền, các đơn vị tạo điều kiện làm thế nào có thể xét nghiệm ADN để các phần mộ chưa biết tên được rõ tên tuổi, danh tính. Như vậy tôi mới an lòng với các đồng đội của mình”, ông Kỳ nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận