Trụ sở Công ty đa cấp Thăng Long, Chi nhánh Bắc Ninh |
Theo ý kiến luật sư, Công ty đa cấp Thăng Long đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh đa cấp. Trong trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người tham gia cần làm đơn tố cáo gửi tới cơ quan công an tại địa phương, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương).
Đổ lỗi cho khách hàng
Dù có nhiều dấu hiệu vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp, nhưng đại diện Công ty đa cấp Thăng Long vẫn khẳng định đã làm đúng quy định pháp luật.
Trao đổi với báo chí về đơn tố cáo của ông Nguyễn Văn Tần (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội), ông Vũ Đình Hùng, Phó giám đốc Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long khẳng định, công ty hoàn toàn làm đúng theo quy định hợp đồng đã ký kết với các nhà phân phối.
Ông Hùng cho biết, Công ty Thăng Long không có chương trình khuyến mại, hỗ trợ khách hàng theo kiểu “ngồi chơi” mà lãi gấp 3 hay gấp 5 số tiền bỏ ra. Chính ông Hùng cũng khẳng định, nếu có cơ hội làm ăn dễ dàng như vậy thì ai cũng đổ xô tham gia, cần gì phải làm. “Trong quá trình tư vấn cho khách hàng, có trường hợp nhà phân phối của công ty cố tình tư vấn sai, tư vấn một chiều, nói cho người ta thành quả mà không nói làm sao để có thể đạt được điều đó nhằm phát triển hệ thống”, ông Hùng biện minh.
Trả lời về việc ông Tần cho biết mình chưa nhận hết số hàng như trong hợp đồng đã ký (mới nhận 6/30 hộp thực phẩm chức năng), ông Hùng cho biết, công ty đã bàn giao đầy đủ hàng cho nhà phân phối. Gửi lại công ty hay chưa lấy hàng là việc của nhà phân phối, công ty chỉ có nghĩa vụ thông báo cho họ tới lấy hàng.
Cũng theo ông Hùng, công ty đã có những buổi làm việc cụ thể liên quan tới mong muốn thanh lý hợp đồng, chấm dứt kinh doanh bán hàng đa cấp của ông Tần, tuy nhiên đôi bên chưa đi đến thống nhất.
“Ông Tần chấp nhận chịu thiệt 20% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, số tiền này sẽ không thể bù được các khoản “hoa hồng” cũng như chi phí khác mà công ty đã bỏ ra trước đó. Công ty chỉ giải phóng hợp đồng khi ông Tần chấp nhận chi trả 70% giá trị hợp đồng”, ông Hùng nói.
Về nội dung đơn thư khiếu nại của ông S. (Bắc Ninh) về việc mình bị nhân viên Công ty đa cấp Thăng long bắt đặt cọc (500.000 đồng - PV), dụ dỗ cho vay nặng lãi để tham gia đa cấp, ông Hùng cho biết, sẽ tìm hiểu lại và sớm thông tin với báo chí.
Ông Nguyễn Văn Tần, người làm đơn tố cáo Công ty đa cấp Thăng Long lừa đảo |
Hoạt động bán hàng có dấu hiệu lừa đảo
Trước vụ việc trên, luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh) nhận định: Công ty đa cấp Thăng Long đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh đa cấp.
Cụ thể, Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp đã chỉ rõ: “Nghiêm cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp yêu cầu người muốn tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp phải đặt cọc, đóng một khoản tiền nhất định hoặc phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào…”.
Về thời hạn 30 ngày trả lại hàng, ông Truyền cho biết, điều kiện này chỉ có hiệu lực khi người tham gia nhận được hàng. Điều này cũng có nghĩa, khi khách chưa nhận được hàng, buộc công ty phải trả lại 100% giá trị hợp đồng, không cần biết đã qua 30 ngày hay chưa. “Ngay cả khi người tham gia đã ký giấy nhận hàng mà chưa nhận được hàng càng chứng tỏ hoạt động bán, hàng của Công ty Thăng Long có dấu hiệu lừa đảo”.
Được biết, ngay sau khi người tham gia bán hàng đa cấp nộp đơn yêu cầu chấm dứt hợp đồng, Công ty đa cấp Thăng Long thay vì xử lý thỏa đáng, lại liên tục gửi giấy yêu cầu họ tới nhận hàng trong kho?!
Làm thế nào để đòi lại tiền?
Luật sư Lê Cao (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) khuyến cáo, người tham gia bán hàng đa cấp trước khi chấm dứt hợp đồng cần phải xem xét phía DN đa cấp có vi phạm nghiệp vụ hay dấu hiệu lừa đảo hay không? Nếu có dấu hiệu vi phạm nghiệp vụ cần nộp đơn kiện lên tòa để chờ phán quyết. Trong trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người tham gia cần làm đơn tố cáo tới cơ quan công an tại địa phương, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương).
Về giải pháp thương lượng giữa người tham gia và công ty đa cấp, luật sư Lê Cao nhận định: “Thương lượng cũng được nhưng cần lưu ý trong trường hợp này, người tham gia bán hàng đa cấp sẽ luôn yếu thế hơn bởi tiền đã mất. Ngay cả khi thương lượng có kết quả cũng không ai dám chắc công ty đa cấp có thực hiện ngay hay lại tìm cách trì hoãn, kéo dài thời gian để tẩu tán tài sản”.
Trở lại biện pháp làm đơn tố cáo, khởi kiện, luật sư Lê Cao cũng bày tỏ lo ngại khả năng đòi lại tiền của người tham gia bán hàng đa cấp là rất khó.
“Quá trình tố tụng, thụ lý vụ án tại Việt Nam rất phức tạp, có thể kéo dài tới 7- 8 tháng. Đó là chưa kể với những đường dây đa cấp, đối tượng liên quan lên tới hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người. Trong thời gian này, phía doanh nghiệp đa cấp có khả năng tẩu tán tài sản, chuyển mục đích sử dụng. Vì thế, ngay cả khi có bản án xét xử thì nạn nhân đa cấp cũng khó đòi lại tiền nếu phía công ty không còn tài sản để trả”, luật sư Lê Cao phân tích.
Thừa nhận việc đòi lại tiền của nạn nhân dính bẫy đa cấp là rất khó, song luật sư Lê Cao vẫn cho rằng, “còn nước còn tát”, trong mọi trường hợp, người dân nên tận dụng công cụ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của chính mình.
(Còn tiếp)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận