Trang "Phố Núi" có liên quan hai vụ mà Phạm Công Danh "gây thất thoát" cho VNCB hơn 5500 tỷ đồng. |
Sáng 20/7, ngày thứ hai xét xử “đại án” thất thoát hơn 9000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB), VKSND TP.HCM được sự ủy quyền của VKSND tối cao đã công bố cáo trạng.
Giới thiệu ký hợp đồng khống
Hành vi sai phạm đầu tiên của Phạm Công Danh và 6 đồng phạm: Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn, Phan Minh Tùng, Phạm Việt Thép và Lê Công Thảo, đó là dựng hồ sơ khống trong việc nâng cấp hệ thống Corebanking để rút hơn 63,2 tỷ đồng của VNCB
Do VNCB bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt vào tình trạng kiểm soát, mọi giao dịch có giá từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát NHNN. Vì vậy, Phan Thành Mai đề xuất muốn rút được nhiều tiền chỉ có thể rút thông qua nâng cấp hệ thống Corebanking.
Trong vụ việc này, ngoài sự chỉ đạo của Phạm Công Danh, còn có Phạm Thị Trang thường gọi là Trang "Phố Núi" (là em ruột của Phạm Việt Thép), đứng ra giới thiệu cho Danh sử dụng công ty An Phát để ký hợp đồng khống trong việc cung cấp dịch vụ nâng cấp hệ thống Corebanking.
Công ty TNHH dịch vụ và TM JSC An Phát thuộc Tập đoàn Thiên Thanh thành lập năm 2012, do Phạm Công Danh nhờ Phạm Việt Thép (44 tuổi, quê Nghệ An) đứng tên giám đốc. Tuy nhiên từ khi thành lập, công ty An Phát không hoạt động, không phát hành hóa đơn và đóng thuế cho Nhà Nước.
Theo chỉ đạo của Phạm Công Danh và Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương đã tạo dựng hợp đồng về việc An Phát cung cấp gói dịch vụ tư vấn giải pháp nâng cao hệ thống corebanking, với giá trị hợp đồng 252 tỷ đồng. Khương khai nhận, tháng 5/2013, Khương vào phòng làm việc của Phạm Công Danh đã thấy Trang "Phố Núi". Trang yêu cầu Khương dùng công ty của Tập đoàn Thiên Thanh để làm đối tác thực hiện việc nâng cấp Corebanking và giao cho Khương xây dựng hợp đồng để ký kết.
Sau khi ký hợp đồng, VNCB đã chuyển hơn 63,2 tỷ đồng vào tài khoản công ty An Phát. Sau đó nhân viên tài chính Tập đoàn Thiên Thanh rút, rồi nộp hơn 52,5 tỷ đồng vào tài khoản Phạm Công Danh. Ngoài ra, Phạm Việt Thép còn nộp hơn 10,6 tỷ đồng vào tài khoản đồng sở hữu của các bị cáo nói trên. Đến nay toàn bộ số tiền trên VNCB không thu hồi được.
Cáo trạng nêu đối với hành vi của Trang Phố Núi, do mới chỉ có lời khai của một số bị cáo, ngoài ra Trang đã xuất cảnh khỏi Việt Nam từ tháng 7/2014 chưa ghi được lời khai, nên chưa có đủ căn cứ xử lý hình sự Trang.
Trước đây, bà Phạm Thị Trang mở nhà hàng Phố Núi ở đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội từ đó được gán biệt danh Trang "Phố Núi". Năm 2006, liên quan đến vụ án Bùi Tiến Dũng trong vụ bê bối tại PMU18, vợ chồng bà Trang đã nhờ luật sư khởi kiện báo chí, đòi đính chính, xin lỗi vì đăng thông tin Bùi Tiến Dũng sử dụng nhà hàng Phố Núi như một địa điểm ăn chơi sa đọa, và Dũng đã tặng bà Trang một chiếc xe hơi có biển số giá 2000USD. Lần đó bà Trang khẳng định Bùi Tiến Dũng chỉ là một khách hàng tới ăn uống bình thường, và bà không có bất kỳ mối quan hệ riêng tư nào với Dũng. Trang Phố Núi hiện đã trốn ra nước ngoài... |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận