Làm đúng quy trình, nhưng các bị cáo đã gây thất thoát ngàn tỷ cho VNCB. |
Sáng 9/8, trả lời HĐXX TAND TP.HCM và luật sư, nhiều bị cáo nguyên là các cán bộ tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) đã cho rằng mình bị truy tố oan, bởi trước đó đã làm đúng quy trình do VNCB ban hành.
HĐXX công bố, theo cáo trạng bị cáo Phan Tuấn Anh nguyên quyền trưởng phòng tín dụng VNCB, có trách nhiệm liên quan khoản vay 3.570 tỷ của 10 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh. Các công ty này đều chỉ có một giám đốc, không hoạt động kinh doanh và đã gây thất thoát hơn 1.600 tỷ cho VNCB.
Phan Tuấn Anh trình bày, phòng tín dụng đã nhận 10 hồ sơ từ VNCB chi nhánh Sài Gòn để thẩm định lại, do các khoản vay vượt quyền hạn của chi nhánh. Phan Tuấn Anh khẳng định, không biết 10 giám đốc của 10 công ty, không biết các hồ sơ được lập khống. Các hồ sơ có đầy đủ tính pháp lý, mục đích vay vốn, khả năng trả nợ, tài sản đảm bảo đã được hội đồng tín dụng chi nhánh đồng ý cho vay.
Bị cáo nói thêm, trong quyết định bổ nhiệm của mình có phần yêu cầu trưởng phòng và phòng tín dụng chỉ đi thẩm định tài sản bảo đảm, kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng vay khi có yêu cầu của Tổng giám đốc. Do đó, Phan Tuấn Anh không đi thẩm định thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty “ma” của Phạm Công Danh và đã ký đồng ý cho vay.
Bị cáo Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc VNCB xác nhận, theo Quy trình cho vay số 52 của VNCB về việc ban hành quy trình cho vay, thì trưởng phòng và hội đồng tín dụng hội sở, hội đồng tín dụng các chi nhánh không có trách nhiệm kiểm tra trực tiếp hồ sơ khách hàng.
Cho là đã không làm sai với các quy định trên, nên bị cáo Phan Tuấn Anh nói rằng mình không vi phạm quy định về cho vay, nên đề nghị HĐXX xem xét cáo trạng truy tố chưa đúng và bị cáo bị oan.
Bị cáo Doãn Quốc Long, nguyên cán bộ tín dụng VNCB chi nhánh Sài Gòn bị quy trách nhiệm về tội vi phạm quy định về cho vay đối với khoản 280 tỷ đồng của công ty Đại Hoàng Phương. Quá trình thẩm định hồ sơ, bị cáo Long nói đã tìm kiếm thông tin về công ty trên cổng thông tin của các cơ quan nhà nước và thấy công ty có hoạt động. Đồng thời, công ty có tài sản đảm bảo là đất tại SVĐ Chi Lăng, TP Đà Nẵng và bị cáo Long đã từng trực tiếp đi cùng khách hàng ra Đà Nẵng để thẩm định đất.
Bị cáo Long nói, từ Quy trình 52 đến Quy trình tín dụng số 1000 của VNCB đều không có quy định nào bắt buộc cán bộ tín dụng phải đi kiểm tra thực tế. Do đó, bị cáo này cũng đề nghị HĐXX xem xét lại việc mình bị truy tố oan về tội vi phạm quy định cho vay.
Trả lời câu hỏi của luật sư Nguyễn Kiều Hưng (trong nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Doãn Quốc Long), bị cáo Phan Thành Mai nói có đến 4 phòng ban của VNCB tham gia soạn thảo Quy trình 52 trong vòng 6 tháng. Sau đó, dự thảo còn được gửi lấy ý kiến tất cả các chi nhánh và cán bộ phòng quản lý tín dụng. Còn bị cáo Phan Tuấn Anh là đầu mối tham gia soạn thảo Quy định 52, cũng cho rằng đã dựa trên các quy định hiện hành của NHNN để thực hiện.
Về hành vi của các bị cáo là cán bộ của VNCB bị truy tố tội “Vi phạm quy định về cho vay”, có liên quan đến mục “phương pháp thẩm định” của Quy trình 52. Mục này có quy định không bắt buộc sử dụng cùng một lúc tất cả các phương pháp thẩm định. Chính vì các bị cáo làm theo “quy trình” này, đã xảy ra việc VNCB cho 12 công ty “ma” của Phạm Công Danh vay gây thất thoát 2.095 tỷ.
Tại phiên tòa, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định các Ngân hàng thương mại được quyền có quy chế riêng của nội bộ ngân hàng đó, nhưng phải phù hợp Luật tổ chức tín dụng của NHNN. Nếu nó sai hoặc không phù hợp, thì sẽ bị NHNN thanh tra xử phạt hành chính, buộc hủy bỏ hoặc sửa chữa. Trên thực tế, VNCB trong việc ban hành Quy trình 52 và Quy trình 1000 đã có những thuật ngữ chưa rõ ràng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận