Daimler phát triển ứng dụng cho phép đặt lịch trình với cả các phương tiện công cộng |
Trong bối cảnh nhiều hãng sản xuất ô tô lấn sân sang thị trường dịch vụ vận tải trực tuyến và giữa một “biển” ứng dụng đặt xe qua điện thoại, để phát triển và cạnh tranh với “lão làng” Uber, các dịch vụ “sinh sau đẻ muộn” phải có cách tiếp cận mới và độc đáo. Chiến lược phát triển ứng dụng Moovel của Daimler, công ty mẹ của Mercedes là một ví dụ đáng lưu tâm.
Một ứng dụng đáp ứng tất cả nhu cầu đi lại
Việc một công ty sản xuất ô tô như Damiler chuyển hướng sang phát triển ứng dụng chia sẻ xe không phải mới. Hãng General Motors (Mỹ) từng lấn sâu vào thị trường vận tải khi ra mắt ứng dụng chia sẻ xe Maven. BMW đã phát triển ứng dụng dịch vụ ReachNow và Ford sở hữu chương trình GoDrive.
Tuy nhiên, Daimler có cách tiếp cận thị trường vận tải khá độc đáo qua ứng dụng mang tên Moovel mà công ty này ra mắt tại Mỹ từ tháng 4/2016 sau hàng loạt cuộc liên kết, hợp nhất. Moovel cho phép người dân ở các khu vực đô thị có thể quan sát toàn diện những kết nối vận tải trong thành phố tích hợp với dịch vụ đặt xe đạp hoặc ô tô để có thể đến địa điểm đích.
Ví dụ, người sử dụng Moovel tại TP Portland chỉ cần vào ứng dụng này là có thể mua vé của dịch vụ xe buýt TriMet và đặt xe qua ứng dụng Lyft. Mục tiêu của Moovel là trở thành một ứng dụng dành cho nhu cầu đi lại của tất cả mọi người. Người dân hay du khách có mặt tại Portland có thể lên kế hoạch cho chuyến đi, đặt trước dịch vụ vận tải chỉ cần qua duy nhất một ứng dụng…
Với tham vọng có thể đánh bại dịch vụ đặt xe qua điện thoại Uber, Daimler đã chuẩn bị những gì? Tập đoàn mẹ của Mercedes sở hữu Car2Go, một trong những dịch vụ chia sẻ xe nổi tiếng nhất trên thế giới. Họ cũng đầu tư vào dịch vụ đặt xe như MyTaxi, đối thủ của Uber tại châu Âu và hiện đã có mặt tại Thủ đô Washington D.C, Mỹ.
Dù Moovel vẫn là một dịch vụ khai thác thị trường ngách, hợp tác với 16 cơ quan giao thông trên khắp 11 thành phố, trong đó có hai đô thị lớn như San Francisco và Baltimore thế nhưng, theo Giám đốc điều hành (CEO) Nat Parker, Moovel đã ký thêm hợp đồng tại 3 thành phố khác và có kế hoạch tiếp tục mở rộng hoạt động hơn nữa. Họ hiện sở hữu 3 triệu người dùng tại Đức và Mỹ.
Thách thức
Tuy nhiên, ông Parker thừa nhận Moovel vẫn gặp nhiều thách thức. Trước hết, để đăng ký vào các dịch vụ vận tải công cộng không phải dễ. “Họ nghi ngờ, cảnh giác và sợ hãi. Tôi nghĩ, nhiều công ty vận tải công cộng cho rằng, doanh nghiệp của họ sẽ bị “rút ruột” bởi các công ty khởi nghiệp công nghệ và các công ty sản xuất thiết bị gốc (OEM) đang tìm cách để bước vào sân chơi này”, vị CEO nhận định.
Thuyết phục các công ty vận tải công cộng hợp tác đã khó nhưng để có thể phối hợp với những người điều hành xe buýt và đường sắt càng khó khăn và quan trọng hơn.
Moovel có một động lực để hấp dẫn các công ty vận tải, đó là cho phép họ tiếp cận các dữ liệu của Moovel trong đó cung cấp các thông tin vô cùng quan trọng như những điểm đến được yêu thích nhất và cách mọi người sử dụng các tuyến đường khác nhau như thế nào.
Ngoài ra, cách tiếp cận của Daimler với các công ty vận tải được thực hiện đúng vào thời điểm “những gã khổng lồ” trong dịch vụ đặt xe qua điện thoại tung ra các dịch vụ mà một số chuyên gia cho rằng, có thể đối đầu trực tiếp với các công ty vận tải công cộng, chẳng hạn như dịch vụ Lyft Shuttle. Do đó, các công ty xe buýt, tàu điện cũng phải nhanh chân có hướng đối phó.
Mặt khác, Mercedes, "đứa con" của Daimler đang thử nghiệm xe buýt bán tự động Future Bus. Vì thế, việc thiết lập quan hệ với các công ty vận tải công cộng càng sớm càng có lợi cho Daimler về sau này.
Các nhà nghiên cứu giao thông có nhận định khá trái chiều về ứng dụng này. Cố vấn giao thông Portland Adrian Pearmine cho rằng: Điều tôi thích ở Daimler đó là họ không phát triển hoàn toàn dựa trên một mảng như xe tự động lái hay một giải pháp ứng dụng chia sẻ xe. Thay vào đó, họ khai thác rất nhiều biện pháp vận tải thay thế đa dạng từ ứng dụng đặt xe, đến phương tiện công cộng...
Giáo sư nghiên cứu về đô thị và hoạch định cơ sở hạ tầng giao thông tại Đại học bang Portland, bà Jennifer Dill cho rằng: Ý tưởng phát triển ứng dụng này có vẻ như đi nhanh hơn so với tốc độ chuyển đổi ý thức sử dụng phương tiện giao thông của con người.
Bà Dill lý giải, giới trẻ hiện nay có thể thích sử dụng vận tải hoặc sử dụng các dịch vụ chia sẻ xe. Nhưng chưa thể biết chắc, liệu đó có phải là dấu hiệu cho thấy một sự chuyển đổi văn hóa hay chỉ đơn giản là những người trẻ không vội vàng, không có nhiều tiền để chi tiêu vào ô tô. Sau này, khi họ trưởng thành, thành công, có tiền và bận rộn, thói quen đi lại của họ lại tương tự như các bậc cha mẹ, đó là sở hữu ô tô riêng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận