Người dân có quyền giám sát CSGT làm nhiệm vụ nhưng không được làm ảnh hưởng đến hoạt động nghiệp vụ của lực lượng này (Trong ảnh: Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, kiểm tra xử lý vi phạm ATGT tại nút giao Trần Duy Hưng - BigC).Ảnh: Văn Huế
|
Vừa qua, tại một cuộc họp ra quân cao điểm xư lý vi phạm giao thông dịp Quốc khánh 2/9, Cục trưởng Cục CSGT, Thiếu tướng Trần Sơn Hà đã có phát ngôn gây nhiều tranh cãi: “Chúng ta (CSGT) không phải xuất trình gì cả, vì việc ra đường xử lý vi phạm đã được các cấp có thẩm quyền cho phép. Trên ngực CSGT có bảng tên, biển hiệu đàng hoàng nên người dân không được yêu cầu. Họ không có quyền đó”.
Không thể yêu cầu kiểm tra kế hoạch chuyên đề
Trao đổi với Báo Giao thông về vấn đề này, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) nhấn mạnh quan điểm, pháp luật không hạn chế quyền kiểm tra, giám sát của người dân đối với lực lượng làm nhiệm vụ, cụ thể là lực lượng CSGT. Theo quy định của pháp luật, trong tất cả các trường hợp, người dân đều có quyền kiểm tra, giám sát lực lượng cảnh sát để tránh lực lượng thực thi nhiệm vụ lạm quyền. Tuy nhiên, cũng có một vài yêu cầu của người dân đối với lực lượng cảnh sát không thể đáp ứng được.
Lý giải rõ hơn, Thiếu tướng Trần Thế Quân cho rằng, mỗi CSGT khi làm nhiệm vụ đều có thẻ TTKS đeo trên ngực, trên đó có ghi rõ họ tên và số hiệu của cán bộ, chiến sĩ. Nếu người dân nghi ngờ đó là thẻ giả hoặc người đó giả danh CSGT thì có quyền yêu cầu người làm nhiệm vụ xuất trình giấy chứng minh CAND, nếu không, người dân có thể gọi điện đến đơn vị có cán bộ, chiến sĩ đó để xác minh, kiểm tra. Tuy nhiên, với các chương trình hay kế hoạch chuyên đề, nếu người dân yêu cầu được xem lại là không khả thi. Bởi mỗi kế hoạch chuyên đề chỉ có người quản lý chung được giữ, sau đó phổ biến cụ thể cho tất cả các cán bộ, chiến sĩ, chứ không phải cán bộ, chiến sĩ CSGT nào cũng có một tờ kế hoạch chuyên đề này đem theo ra đường.
“Luật không có điều khoản nào quy định cụ thể, chi tiết về từng trường hợp người dân được kiểm tra hay không được kiểm tra cảnh sát, trong khi theo tinh thần Hiến pháp 2013 thì không thể phủ nhận vai trò giám sát của người dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, mỗi CSGT cũng cần có hướng xử lý khéo léo, giải thích hợp lý để có thể thuyết phục người dân. Người dân có quyền kiểm tra, giám sát, nhưng cũng không nên lạm dụng quyền đó để gây khó dễ cho lực lượng thực thi nhiệm vụ”, tướng Quân nêu quan điểm.
Cần có quy định cụ thể
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cũng cho rằng, người dân hoàn toàn có quyền kiểm tra, giám sát lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ. Thực tế, cũng đã có không ít trường hợp người dân yêu cầu được xem hoặc kiểm tra các kế hoạch chuyên đề của CSGT. Nhưng các kế hoạch, chuyên đề từ trên ban hành xuống thường chỉ ký một văn bản và đề nghị các đơn vị ở dưới triển khai chứ không thể phát cho từng CBCS cầm theo đi xử lý để khi dân yêu cầu thì đưa ra được. Hơn nữa, quá trình xử lý cần công khai, minh bạch, đúng quy trình, nhưng cũng phải đảm bảo xử lý nhanh gọn nhất có thể để không làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông của các phương tiện khác trên đường.
CSGT thường làm việc theo tổ, nếu chỉ thấy có một CSGT thực hiện nhiệm vụ một mình ở đoạn đường vắng nào đó thì người dân có quyền nghi ngờ và yêu cầu kiểm tra. Trong trường hợp CSGT nói kiểm tra theo chuyên đề, nhưng việc kiểm tra có dấu hiệu vi phạm thì người dân có quyền khiếu nại lên cơ quan công an cấp trên để họ giải quyết”. Thiếu tướng Trần Thế Quân |
Về phía người tham gia giao thông, nếu thấy CSGT làm không đúng quy trình thì có thể thông báo lại sự việc với cơ quan chức năng, gọi vào đường dây nóng, hoặc có quyền yêu cầu ghi vào biên bản hành chính để cơ quan có thẩm quyền làm rõ. Người điều khiển phương tiện khi đó cũng phải nói rõ cơ sở vì sao không đồng tình với cách xử lý của lực lượng CSGT. “Trên thực tế cũng có một số trường hợp do CSGT không giải thích rõ ngọn ngành để người dân hiểu nên mới nảy sinh việc nghi ngờ và người dân yêu cầu kiểm tra lại CSGT. Vì vậy, lực lượng làm nhiệm vụ rất cần nâng cao kỹ năng nghiệp vụ và cách xử lý tình huống chuyên nghiệp khi thực thi nhiệm vụ, nếu giải thích rõ ràng, cặn kẽ thì chắc chắn người dân sẽ hợp tác”, Thượng tá Quỹ nói.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn luật sư TP Hà Nội) dẫn chứng một loạt điều luật liên quan đến quyền giám sát của dân, từ Hiến pháp cho đến Luật Tiếp cận thông tin, Luật Công an nhân dân... trong đó có quy định người dân được quyền giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước và của cán bộ, công chức.
Luật sư Nguyễn Danh Huế cũng cho rằng, kế hoạch tuần tra, kiểm tra chuyên đề, lệnh hay thẻ tuần tra… là những giấy tờ văn bản làm căn cứ để CSGT thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, việc người dân yêu cầu CSGT xuất trình những giấy tờ này là việc hết sức bình thường để thực hiện quyền giám sát của mình và quyền này phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Đây cũng là cách thức để chống việc lạm quyền trong thi hành công vụ.
“Việc thực hiện giám sát của người dân là hết sức cần thiết, vừa để hạn chế việc lạm quyền vừa giúp người dân bảo vệ tài sản, tính mạng, đồng thời giúp cho lực lượng CSGT nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và tác phong làm việc”, luật sư nêu quan điểm và cho rằng, các cơ quan Nhà nước nên sớm quy định và hướng dẫn cụ thể cũng như công khai cách thức để người dân thực hiện quyền giám sát của mình.
>>> Xem thêm video uông 2 cốc bia, bị phạt 17 triệu
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận