Cộng đồng mạng lại kêu gọi giải cứu dưa hấu miền Trung, song không ít câu hỏi đặt ra: có giải cứu được mãi? Ảnh: Dưa hấu Phú Ninh, Quảng Nam chất đầy đường không ai mua |
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, mấy ngày qua cộng đồng mạng lại rầm rộ lên kế hoạch giải cứu dưa hấu miền Trung.
Một bạn có nick Autumnlove Thuthu đã lên mạng kêu gọi khách hàng mua dưa hấu làm quà cho anh em, bạn bè, hàng xóm với nội dung: “Em đang nhận tiêu thụ 20 tấn dưa dùm cho bà con nông dân ở quê Phú Ninh - Quảng Nam. Cảnh ở quê bây giờ nhà nhà khốn khổ vì dưa, nợ phân nợ giống trông tới kỳ thu hoạch để trả mà giờ. Thương lái không mua, giá rẻ mạt mà vẫn không bán được, vài ngày nữa không cắt thì cũng bỏ luôn. Em nhận bán dùm bà con, bán được bao nhiêu hay bấy nhiều. Giá bán 5 nghìn đồng/kg; giá mua tại gốc là 4 nghìn đồng/kg”.
Cộng đồng mạng chia sẻ kêu gọi giải cứu dưa hấu |
Hiện, phía Trung Quốc, thị trường tiêu thụ chủ yếu dưa hấu của Việt Nam đã ngưng nhập khẩu do nước này cũng đang vào vụ thu hoạch loại quả này. Trong khi đó, chỉ riêng huyện Phú Ninh, Quảng Nam, vẫn còn khoảng 150 ha chưa thu hoạch, lượng dưa hấu cần được “giải cứu” khoảng 3.000 tấn với giá rẻ như cho hơn 1nghìn đồng/kg. Tương tự, Quảng Ngãi cũng đang tồn khoảng hơn 2000 tấn dưa hấu với giá bán dưới 2 nghìn đồng/kg.
Đáng nói, một trong những nguyên nhân chính khiến lượng dưa hấu tồn lớn do những vụ trước được mùa được giá, người dân đua nhau mở rộng diện tích trồng dẫn đến vượt quy hoạch. Cụ thể tại huyện Phú Ninh, số diện tích trồng dưa vượt quy hoạch lên gần 100 ha.
Người dân trồng dưa tại Quảng Nam vượt diện tích quy hoạch gần 100ha |
Ông Nguyễn Thanh Anh, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Cũng giống như một số loại cây trồng khác, vụ thu hoạch dưa hấu năm nay ở tỉnh Quảng Nam không tránh khỏi vòng lẩn quẩn của thị trường đầu ra và điệp khúc “được mùa mất giá”. Chính quyền huyện Phú Ninh đang vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm mua dưa giúp nông dân với giá 4.000 đồng/1kg. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế nhằm cứu vãn được chừng nào hay chừng ấy”.
Người kêu cứu nhiệt tình và người dân ủng hộ giải cứu cũng nhiệt tình không kém. Tuy nhiên, trong số đó cũng không ít người phản hồi về chất lượng dưa hấu giải cứu “trắng ởn, nhạt toẹt”. Qua đó, không ít cư dân mạng đặt vấn đề: “Phải chăng người bán nhân danh giải cứu để bán dưa kém chất lượng?”.
Đây không phải lần đầu tiên cộng đồng tham gia giải cứu dưa hấu |
Từ phía doanh nghiệp, sau những lần ế thừa thịt lợn, củ cải, su hào… có thể dễ nhận ra họ không còn mặn mà với những phi vụ giải cứu nông sản. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng phản đối giải cứu nông sản, không thể tạo điều kiện để người nông dân giữ thói sản xuất tùy tiện, phá vỡ quy hoạch.
“Bài toán của doanh nghiệp là lợi nhuận, họ không thể mua giá cao, người tiêu dùng cũng không chịu chọn sản phẩm giá đắt khi thị trường đang dư thừa”, một chuyên gia kinh tế nhận định.
Không ít ý kiến cũng cho rằng, không phải nông sản cần giải cứu mà chính nông dân mới là đối tượng cần được giải cứu thoát khỏi tư duy làm ăn manh mún, tùy tiện vốn cố hữu biết bao năm qua!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận