Xã hội

Dân ngóng bồi thường vụ cá chết trên sông Bưởi

11/05/2016, 08:15

Nhiều người dân bị thiệt hại do cá chết hàng loạt trên sông Bưởi đang ngóng chờ được bồi thường.

DSCN9301

Bà Nguyễn Thị Báu (trú tại thôn Bãi Cháy, xã Thành Vinh, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) bần thần trên bè cá của gia đình giờ chẳng còn con nào sống sót. Ảnh: M.C

Liên quan đến vụ cá chết hàng loạt trên sông Bưởi, hiện Công ty CP Mía đường Hòa Bình thừa nhận đã xả thải trực tiếp (chưa qua xử lý) ra sông Bưởi. Sau khi biết thông tin này, nhiều người dân bị thiệt hại do cá chết hàng loạt đang ngóng chờ được bồi thường.

Mong sớm được bồi thường

Trưa 10/5, có mặt tại xã Thành Vinh, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) - tâm điểm xảy ra vụ cá chết hàng loạt trên sông Bưởi vừa qua, chúng tôi ghi nhận nước sông Bưởi đã trong và sạch hơn. Tuy nhiên, người dân và các hộ nuôi cá lồng trên sông Bưởi vẫn chưa dám sử dụng nguồn nước này để sinh hoạt, thả cá.

Ngóng ra cửa sông, bà Đỗ Thị Lợi (80 tuổi, ở xã Thành Vinh) đang ngồi vá lưới bần thần: “Cả nhà tôi hành nghề đánh bắt cá trên sông Bưởi, giờ cá chết hết rồi, nước sông cũng không dám dùng nữa. Chúng tôi chỉ mong các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân cá chết, thông báo khi nào sử dụng được nước sông để chúng tôi còn tiếp tục mưu sinh, không thì chết đói mất thôi”.

Anh Nguyễn Văn Do (41 tuổi, làng chài Thành Vinh, Thạch Thành) cả ngày loanh quanh trong nhà đợi thông tin về trách nhiệm của đơn vị xả thải và động thái hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Gia đình anh vừa bị chết hơn 1 tấn cá, thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Ngoài nuôi cá, anh còn thả lưới đánh bắt, câu cá trên sông Bưởi. “Giờ chúng tôi thất nghiệp, không có việc làm, ôm món nợ lớn. Gạo và tiền cũng phải nhờ địa phương hỗ trợ, hàng ngày vào làng xin nước để sinh hoạt. Chúng tôi chỉ biết trông chờ vào cơ quan chức năng sớm làm rõ đối tượng gây thảm họa, có đền bù thỏa đáng”, anh Do đề nghị.

Ông Nguyễn Văn Vững (ở Lộc Phượng 1, xã Thành Vinh) than: “Hơn 1 tấn cá trong lồng chết hết, con to nhất nặng khoảng 7kg, vốn liếng của gia đình cũng đi theo cá. Mong chính quyền hướng dẫn bà con thủ tục xin bồi thường, làm đơn kiến nghị sớm tìm ra thủ phạm”.

Cùng tâm trạng, bà Nguyễn Thị Báu, trú tại thôn Bãi Cháy, xã Thành Vinh cho biết, gia đình bà cũng mất khoảng 3 tấn cá, ước tính thiệt hại lên tới 300 triệu đồng, trong khi đó đang còn vay mượn tiền để mua cá giống nhưng chưa trả được. “Ai gây ra việc cá chết này thì phải đền bù cho chúng tôi”, bà Báu bức xúc.

Hỗ trợ pháp lý để người dân khởi kiện

Hiện nay rất nhiều ngư dân đang không biết phải là

Hiện nay rất nhiều người dân đang không biết phải làm sao sau khi cá nuôi bị chết hết

Ngày 10/5, trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Minh Thông, Phó chủ tịch huyện Thạch Thành cho biết, sau khi khi xảy ra sự việc, chính quyền các xã đã đến hiện trường ghi nhận thông tin và thống kê số lượng thiệt hại của ngư dân để có căn cứ cho việc bồi thường, hỗ trợ sau này.

“Vụ việc hiện vẫn đang được chính quyền địa phương phối hợp với các ngành chức năng làm rõ trách nhiệm của chủ thể gây ra hiện tượng cá chết. Và chính quyền địa phương cũng đã hỗ trợ cho bà con bị thiệt hại, đồng thời có ý kiến với UBND tỉnh làm rõ trách nhiệm với đối tượng gây ra vụ việc để sớm có sự hỗ trợ, bồi thường cho dân”, ông Thông khẳng định.

Theo luật sư Lê Quốc Hiền, Đoàn luật sư Thanh Hóa, việc xác định hành vi ô nhiễm trên sông Bưởi có phải là nguyên nhân gây chết cá hàng loạt không là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của tỉnh và có sự phối hợp với Cục Cảnh sát bảo vệ môi trường. Người dân cũng có quyền đề nghị chính quyền địa phương như thôn, xã lập biên bản xác định về việc cá chết, xác định rõ khối lượng, số lượng cá chết. Trên cơ sở đó, người dân có thể làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan có thẩm quyền, từ đó các cơ quan có thẩm quyền xem xét và hướng dẫn người dân làm đơn ra tòa án để xử lý vụ việc.

Luật sư Hiền cho biết thêm, để đảm bảo quyền lợi của mình, người dân có thể đứng đơn từng người hoặc tập trung lại rồi ủy quyền cho người nào đó đi khiếu nại, nhưng bắt buộc phải có sự ủy quyền và chứng nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú. “Nếu người dân cần hỗ trợ về mặt pháp lý thì chúng tôi sẵn sàng tư vấn miễn phí. Chúng tôi sẽ hướng dẫn cho người dân những cách thức, các bước khởi kiện vụ việc, cách thiết lập nên hồ sơ chứng cứ, cách thức thảo đơn để người dân gửi đến tòa án khởi kiện nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình”, luật sư Hiền cho hay.

Theo báo cáo mà UBND tỉnh Thanh Hóa gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 8/5, tính đến 10h ngày 7/5, tổng số lượng cá chết của các hộ nuôi cá lồng là 17.385 kg, số lồng cá chết 73/109 lồng của 32/49 hộ nuôi cá lồng bị chết hoàn toàn, chưa tính số lượng cá tự nhiên bị chết.Ngày 9/5, Tổng cục Môi trường đã thành lập đoàn công tác kiểm tra tình hình cá chết trên cửa sông Lạch Bạng và sông Bưởi.

Chiều cùng ngày, đoàn đã làm việc với Sở TN&MT hai tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình và Công ty CP Mía đường Hòa Bình để tìm hiểu nguyên nhân thực tế cá chết và phương án khắc phục. Trong buổi làm việc này, Công ty CP Mía đường Hòa Bình (đóng trên địa bàn Cụm công nghiệp Lạc Sơn, xã Tân Mỹ, huyện lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã nhận là có xả thải trực tiếp ra sông Bưởi chưa qua xử lý trong thời gian từ 15/3 - 25/4 với lưu lượng 250m3 - 300m3/ngày đêm. Hiện Công ty CP Mía đường Hòa Bình đã ngừng xả thải.

TP Vũng Tàu: Tổ chức hành nghề luật sư nộp đơn kiện vụ cá chết

Chiều 10/5, trao đổi với PV Báo Giao thông, Luật sư Hoàng Long Hà, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đã có một tổ chức luật sư hành nghề nộp đơn lên Tòa án Nhân dân TP Vũng Tàu kiện vụ cá chết. Trong tuần này, 10 tổ chức hành nghề khác cũng sẽ hoàn tất việc này.

Chiều 9/5, tại xã Long Sơn (TP Vũng Tàu), 33 hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và đã ký đơn và hợp đồng thuê 11 tổ chức hành nghề luật sư (với khoảng 20 luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để bảo vệ quyền lợi của mình trong vụ kiện đòi 14 cơ sở chế biến hải sản ở xã Tân Hải, huyện Tân Thành xả thải khiến hàng loạt cá lồng bè của 33 hộ dân nuôi trồng trên sông Chà Và chết vào tháng 9/2015. Tổng số tiền mà các hộ dân yêu cầu đòi bồi thường là 18,1 tỷ đồng. Hiện, các luật sư đã hướng dẫn người dân viết đơn, thu thập các giấy tờ, chứng cứ có liên quan như hợp đồng mua cá giống, thức ăn, bán cá… kèm theo đơn khởi kiện.

Mai Huyên

Không nên “vì kinh tế mà bỏ môi trường”

Ngày 10/5, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức tọa đàm “Chất thải công nghiệp: Hạn chế trong quản lý và khuyến nghị chính sách”. Tại tọa đàm, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nhận định, hiện tượng cá chết hàng loạt thời gian qua cảnh báo việc quản lý môi trường, đặc biệt là môi trường nước. “Không nên bất chấp hậu quả về môi trường để thu hút đầu tư bằng mọi giá mà cần chú trọng hơn đến giá trị phát triển bền vững. Bởi nếu một khi xảy ra sự cố môi trường rồi thì không thể kiểm soát được, việc khắc phục vô cùng khó khăn, tốn kém”, ông Võ cảnh báo.

Ông Nguyễn Xuân Sinh, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) nêu lên một thực trạng là do việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải chiếm chi phí rất cao, xây dựng đắt đỏ, vận hành khó khăn nên có những nhà máy “ngày cho vận hành hệ thống xử lý thải nhưng tối cho xả trộm”. “Đối với trường hợp tại Formosa, vì sao chúng ta không có cơ quan kiểm soát trung gian như cảnh sát môi trường hay người dân, bởi mọi người hoàn toàn có thể kiểm tra được?”, ông Sinh nói.

Anh Thư

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.