Doanh nghiệp vàng muốn được “cởi trói”, tự do mở rộng mạng lưới và được nhập khẩu vàng. Ảnh minh họa |
Hiệp hội kinh doanh vàng (VGTA) vừa có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng nêu 8 kiến nghị.
Muốn được tự do kinh doanh
Sau 5 năm thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, mạng lưới kinh doanh vàng miếng đã được thu hẹp đáng kể, từ khoảng 12.000 đơn vị kinh doanh vàng miếng nay chỉ còn 38 đơn vị.
Kiến nghị cho phép nhập 20 tấn vàng/năm Trong mấy năm qua, các doanh nghiệp kinh doanh vàng không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. VGTA cho rằng, các doanh nghiệp buộc phải mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường và như vậy đã vô tình đã tiếp tay cho buôn lậu. VGTA ước tính, nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu hàng năm cho sản xuất trang sức, mỹ nghệ ở Việt Nam hiện khoảng hơn 20 tấn/năm. VGTA kiến nghị cho doanh nghiệp được nhập khẩu, trước mắt có thể cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho những doanh nghiệp đã được NHNN cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. |
Những đơn vị được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng rất hạn chế và chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn. Chính vì thế, theo VGTA, hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng vẫn diễn ra tràn lan, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa; thậm chí ở các cửa hàng chưa được cấp phép kinh doanh vàng miếng ở các thành phố lớn hỏi mua bao nhiêu vàng miếng cũng có. Đây là nguyên nhân dẫn đến xuất hiện vàng miếng giả, vàng trang sức không đủ chất lượng, trọng lượng trong thời gian qua.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VGTA, “việc xem xét mở rộng mạng lưới kinh doanh mua bán vàng miếng là yêu cầu rất cấp thiết trong điều kiện hiện nay”.
Ngoài ra, theo quy định, khi thay đổi địa điểm kinh doanh vàng miếng, các doanh nghiệp phải xin phép NHNN. “Như vậy sẽ làm mất thời gian, chi phí và làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Bởi vậy, cần xem xét sửa đổi quy định hiện hành theo hướng cho phép các doanh nghiệp chỉ cần thông báo cho NHNN khi thay đổi địa điểm kinh doanh vàng miếng để tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thành Long kiến nghị.
Dân vẫn đang “giấu” 500 tấn vàng
Theo số liệu của VGTA, trong nhiều năm qua, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu vàng, trong khi xuất khẩu kim loại quý này không đáng kể. Do vậy, lượng vàng trong dân hiện nay còn rất lớn, ước tính khoảng 500 tấn. Mặc dù Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo NHNN thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đến nay chưa có giải pháp nào được thực hiện.
Hơn nữa, theo Bộ Tài chính, dự kiến đến tháng 7/2017, Việt Nam có thể không còn được vay vốn ODA, mà phải chuyển sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường với mức lãi suất cao. Trong khi đó, nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế xã hội những năm tới là rất lớn. “Bởi vậy, việc nghiên cứu giải pháp huy động có hiệu quả nguồn lực vàng trong dân cho phát triển kinh tế là rất cấp bách trong điều kiện hiện nay”, ông Long nêu vấn đề. Do đó, theo kiến nghị của Hiệp hội, để huy động vàng có hiệu quả, NHNN cũng cần nghiên cứu để sớm thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia.
“Bởi vì, thông qua Sở giao dịch vàng quốc gia, Nhà nước có thể phát hành chứng chỉ vàng, hoặc trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân”, Chủ tịch VGTA đề xuất.
Ngoài ra, Sở giao dịch vàng quốc gia cũng góp phần giảm bớt nhu cầu giao dịch vàng vật chất, giảm đáng kể lượng ngoại tệ để nhập khẩu vàng; loại bỏ sàn vàng chui; giảm tình trạng xuất, nhập lậu vàng qua biên giới; tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước thông qua việc thu thuế của các tổ chức, cá nhân giao dịch vàng; cơ quan chức năng có thể giám sát, quản lý được lượng giao dịch vàng để điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.
Đặc biệt, ông Long cho hay, thông qua Sở Giao dịch vàng, các doanh nghiệp có thể mua vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, thay vì nhập khẩu, góp phần tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận