Pháp đình

Đang xét xử vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh trên sông Đồng Nai

14/11/2017, 09:23

Sáng nay (14/11), TAND TP Biên Hòa đã mở phiên tòa xét xử chủ tàu, lái tàu liên quan vụ tai nạn cầu Ghềnh.

IMG_3331

Hai bị cáo tại phiên tòa sáng 14/11

Lúc 8h30 sáng 14/11, tại trụ sở TAND TP Biên Hòa (Đồng Nai) HĐXX tiến hành các thủ tục bắt đầu phiên tòa. Hai bị cáo là Phan Thế Thượng (63 tuổi, ở phường An Bình, TP Biên Hòa) và Trần Văn Giang (36 tuổi, ngụ huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) trước đó đã để sà lan đâm sập cầu Ghềnh bị VKS truy tố về hành vi "Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy" theo Điều 212 Bộ luật Hình sự.

Theo quan sát của PV Báo Giao thông, phiên tòa vắng người chứ không đông như những phiên tòa khác. Hai bị cáo đứng trước vành móng ngựa với sắc mặt tốt. Sau phần thẩm tra lý lịch, nhân thân bị cáo... Đến 9h, đại diện VKSND TP Biên Hòa bắt đầu đọc bản cáo trạng truy tố 2 bị cáo trên. 

Theo cáo trạng, ông Phan Thế Thượng bị VKSND Biên Hòa truy tố 2 tội là "Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn" và "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy". Bị cáo Giang bị cơ quan công tố cáo buộc "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy".

Theo cáo trạng, vào lúc 11h30 ngày 20/3/2016 chiếc sà lan nặng 800 tấn va vào trụ cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai (thuộc xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai). Vụ va chạm làm 2 nhịp cầu bị gãy và chìm xuống sông. Ông Phan Thế Thượng là chủ sà lan biết rõ phương tiện số hiệu SG-3745 không đảm bảo an toàn kỹ thuật nhưng vẫn giao cho Giang sử dụng dù anh này không có bằng thuyền trưởng. Rạng sáng 19/3/2016, Giang chạy tàu này và đẩy theo sà lan chở cát từ sông Cổ Chiên ở Trà Vinh lên Đồng Nai. Lúc này, trên tàu không bố trí đủ định biên thuyền viên theo quy định.

Đến trưa 20/3/2016, Giang dùng tàu kéo để đẩy sà lan cát trên sông Đồng Nai. Sau đó phương tiện này đã va chạm vào cầu Ghềnh khiến trụ số 2 của cầu bị sập. Hậu quả đã làm nhịp 3 cầu Ghềnh rơi xuống sông hoàn toàn, nhịp 2 rơi một phần đầu phía Nam xuống sông, đầu nhịp phía Bắc rơi gác lên trụ số 1. Sà lan gây tai nạn lật úp trên sông.

Nguyên nhân ban đầu được xác định, do sà lan đã vi phạm quy tắc giao thông đường thủy nội địa khi lưu thông qua cầu Ghềnh. Vụ tai nạn tuy không gây thiệt hại về người nhưng đã làm cản trở giao thông đường thủy, đình trệ giao thông đường sắt. Trong thời gian này, ngành đường sắt buộc phải dùng ga Biên Hòa làm ga cuối trong hành trình Bắc - Nam. Sau gần 3 tháng thi công thần tốc cầu Ghềnh mới thay thế cầu Ghềnh cũ bị sập hoàn thành, đường sắt Bắc – Nam qua Đồng Nai được thông tuyến trở lại.

Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi nhận tại phiên tòa:

IMG_3332

Quang cảnh phiên tòa sáng 14/11

IMG_3330

 

IMG_3342

Kiểm sát viên đọc bản cáo trạng

IMG_3341

Các luật sư bào chữa tại phiên tòa

 

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.