Hạ tầng

Dấu ấn cầu vòm thép “cánh chim biển”

22/11/2018, 07:46

Những ngày cuối tháng 8/2018, tôi lại được tắm mình trong khung cảnh công trường kỳ vĩ, quen thuộc của người thợ cầu.

11

Cầu vòm thép khổng lồ Hoàng Văn Thụ nổi lên nước sơn tươi rói màu hoa phượng

Trước mặt tôi, giữa đống sắt thép ngổn ngang sừng sững một vòm thép khổng lổ của cây cầu vòm thép Hoàng Văn Thụ nổi lên nước sơn tươi rói màu hoa phượng - từng được Hải Phòng coi là loại hoa tiêu biểu cho không gian và hào khí thành phố biển.

Gặp lại những người thợ cầu giỏi...

Cầu vòm thép Hoàng Văn Thụ dài 87m, rộng 20,5m và nặng tới 520 tấn, được nâng lên hợp long - nối liền khung hình vào cuối tháng 8/2018 và dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác vào cuối năm nay. Đây là công trình quan trọng bậc nhất của chuỗi dự án khu đô thị mới Bắc sông Cấm của thành phố biển Hải Phòng vạm vỡ và sôi động.

Đứng trước chiếc cầu hiện đại bắc qua sông Cấm sắp hình thành, tôi chợt nhớ khoảng thời gian này cách đây 39 năm khi làm cầu Đông Kinh (Lạng Sơn) cũng do thợ cầu CIENCO1 khôi phục lại với thời gian kỉ lục, sau khi bị phá sập bởi bom đạn của kẻ thù trong chiến tranh biên giới. Lúc đó, mọi người đều ước ao cho đến bao giờ cầu Việt Nam mới thoát khỏi những đường nét đơn giản; ngang bằng sổ thẳng để có hình dáng phù hợp với cảnh quan, không chỉ phục vụ cho giao thông mà còn là công trình kiến trúc kiêu hãnh cho từng vùng miền. Đến hôm nay, sau khi vòm sắt kì vĩ nặng hơn 520 tấn này ngạo nghễ ngự trên đỉnh cao gần 50m so với mặt nước biển, cầu Hoàng Văn Thụ sẽ hiện ra hình cánh chim biển khổng lồ rực rỡ màu hoa phượng đỏ giữa một đô thị mới hiện đại.

Cầu Hoàng Văn Thụ có tổng mức đầu tư khoảng 2.176 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách của TP Hải Phòng và các nguồn vốn khác do Ban Quản lý công trình xây dựng phát triển đô thị làm chủ đầu tư. Nhà thầu chính là liên danh CIENCO1 - Trung Chính - Hồng Hà. Theo thiết kế, cầu Hoàng Văn Thụ có chiều dài hơn 1,5km, bắc qua sông Cấm, nối phường Minh Khai (quận Hồng Bàng) với xã Tân Dương (huyện Thủy Nguyên). Cầu có hình dáng “cánh chim biển”, là cầu vòm ống thép nhồi bê tông chạy giữa sơ đồ nhịp 45m+200m+45m, rộng 33,5m gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp và 2 lề đi bộ.

Người đầu tiên tôi gặp trên công trường xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ là kĩ sư Cấn Hồng Lai, Bí thư Đảng Bộ CIENCO1. Tôi biết Lai từ khi ông là Đội trưởng đội cầu của Công ty Cầu 12 đóng ở Phà Tặng khi tham gia xây dựng đường 13 Bắc Lào. Sau này, Cấn Hồng Lai luôn có mặt ở vị trí quan trọng trên các công trường xây dựng hàng loạt cầu danh tiếng như: Cầu Phố Lu, cầu Bằng Giang, cầu Đạm Thủy, cầu Chương Dương, rồi cầu Rồng,Trần Thị Lý ở Đà Nẵng, Vàm Cống ở Tiền Giang…

Nhưng ấn tượng nhất của Cấn Hồng Lai đối với tôi khi ở cương vị Tổng giám đốc CIENCO1. Khi xây dựng cầu Rồng ở Đà Nẵng, một vị cán bộ kĩ thuật của TCT dày dạn kinh nghiệm vì quá thận trọng khi mực nước sông Hàn dâng cao định dừng thi công chờ cho mực nước ổn định mới tiếp tục. Thấy tiến độ có khả năng bị chậm lại, ông Lai quyết định tìm ra người có biện pháp thi công cầu trong tình trạng mực nước dâng. Kết cục anh chàng Trưởng phòng Kĩ thuật trẻ Nguyễn Duy Thắng đưa giải pháp thi công táo bạo được cử vào hiện trường chỉ đạo và giữ được nhịp tiến độ, kĩ thuật thi công đảm bảo, an toàn.

Thật tình cờ, trên công trường cầu Hoàng Văn Thụ, tôi được gặp lại kĩ sư Nguyễn Duy Thắng. Ở tuổi 44 và trên cương vị Phó tổng giám đốc CIENCO1, tôi nhận ra một điều, chàng kĩ sư người Ứng Hòa này dù ở đâu và vị trí nào cũng là người xây dựng cầu say mê và vất vả nhất. Vừa ra trường mới ở tuổi 25, anh đã có mặt tại công trường xây dựng hàng loạt cầu lớn như: Cầu Ông Lãnh, Kênh Tẻ, đường nối quận 4 đi Hiệp Phước, Nhà Bè…Cùng thời gian này Thắng còn tham gia xây dựng cảng Sài Gòn, cảng Tân Thuận, cầu Thủ Bộ (Long An). Không chỉ ở cầu Rồng, gần đây nhất trên công trường sửa chữa cầu Ghềnh, kỹ sư Nguyễn Duy Thắng cũng đưa ra những giải pháp đầy sáng tạo, gỡ bí cho thi công công trình quan trọng này.

Gặp lại Nguyễn Duy Thắng trên công trường xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ, tôi thấy anh gầy và có vẻ đăm chiêu hơn. Anh thì thào với tôi: “Hơn tuần nay con ngủ không yên”.

Tôi liền hỏi lý do, Thắng rít sâu hơi thuốc lá, cười khình khịch rồi chỉ tay lên cây cầu vẫn còn đang 2 mảnh: “Phải xong cú hợp long này”.

Đóa hoa phượng rực rỡ soi xuống dòng sông Cấm

Chiếc vòm thép khổng lồ được chuyển lên sà lan 4.500 tấn nhích dần đến vị trí cầu. Đứng trên sà lan, bên cạnh khung vòm uy nghi, tai rộn vang đủ thứ tiếng động va chạm của sắt thép, tiếng khẩu lệnh điều khiển, nhìn dòng nước sông Cấm vì thủy triều đang chảy siết, giữa những người thợ áo đẫm mồ hôi, mặt mũi căng thẳng, dường như chính họ cũng đang chịu trọng tải của chiếc vòm đang nhích từng mét, tôi chợt nhớ nơi chiếc cầu sắp thành hình này là độ vòng của con sông Cấm, có địa hình vô cùng phức tạp kéo theo sự bất ưng của thủy triều. Chính vì vậy, cha ông ta đã nắm được sự hiểm trở của dòng sông và thiên nhiên nơi này để làm nên chiến công bất tử vào những năm 938 với Ngô Quyền, 981 với Lê Hoàn và 1288 với Trần Hưng Đạo.

Còn hôm nay, trải qua gần một tuần lễ trong thời tiết bị ảnh hưởng cơn bão đang hình thành, cùng với chế độ khắc nghiệt của thủy triều nơi đường vòng của sông Cấm, nhưng nhờ những phương pháp kĩ thuật chính xác, cùng sự nhẫn nại của hàng trăm cán bộ, công nhân, chiều 20/8, khung vòm cầu Hoàng Văn Thụ đã hợp long thành công vào vị trí chuẩn xác.

Nhìn vòm cầu đã liền khối với những phụ kiện đôi bờ, tất cả đều một màu đỏ thắm, tôi nhận ra cầu Hoàng Văn Thụ khi hoàn thành sẽ thành một đóa hoa phượng rực rỡ soi xuống dòng sông Cấm.

Vậy là từ khôi phục cầu Đông Kinh (Lạng Sơn) đến xây mới cầu Hoàng Văn Thụ (Hải phòng) đã 39 năm. Trong thời gian dư một phần hai đời người đó, biết bao vật đổi sao dời. Từ những cây cầu có hình thức đơn giản được làm bằng công nghệ thô sơ “giếng chìm chở nổi” trong một thời gian tính hàng chục năm đến những cây cầu có hình thức đa dạng từng được xếp vào hàng kỉ lục thế giới được làm bằng công nghệ tiên tiến nhất trong thời gian kỉ lục. Ngành xây dựng giao thông một thời lực lưỡng, mạnh mẽ với những nhà thầu cực mạnh từng được ví như những quả đấm thép với những tên tuổi lẫy lừng như: CIENCO1, CIENCO8, CIENCO4, CIENCO6, Tổng công ty Thăng Long… ít nhiều mai một. Quản lý các nhà thầu từ bộ máy do Nhà nước cử ra giờ thuộc về một ông chủ tư nhân. Người thợ trước kia từng được phong “làm chủ tập thể” giờ là người làm thuê đúng nghĩa.

Chỉ có điều, dù đứng ở vị thế nào và dưới tay ai quản lý, người thợ vẫn là người thợ. Nhìn những người thợ làm cầu, làm đường CIENCO1, từ thời làm thợ quốc doanh đến lúc làm thợ cổ phần nhưng khi đã chọn để là những người thợ làm cầu, làm đường tôi luôn thấy hiển hiện lên một chất thợ thuần phác. Vì nhu cầu cuộc sống nhưng với họ cao hơn cả là tình yêu nghề, là sự tự ái nghề nghiệp và cả ý thức công dân chân chính họ sẵn sàng vượt qua mọi hiểm nguy của môi trường làm việc, sự khó khăn của những rào cản vô hình và hữu hình để làm nên những con đường, những cây cầu tuyệt mĩ. Chỉ có điều các nhà quản lý, những ông chủ dưới nhiều loại hình làm sao xốc dậy được những tố chất đẹp nhất của người thợ mà thôi. 

Logo tai tro Dang baso DT

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.