Phương án thiết kế “Vầng trăng sông Hương” |
2 lần tổ chức thi tuyển đồ án kiến trúc cầu vượt sông Hương, Thừa Thiên-Huế mới “chấm” được giải cao nhất cho phương án Chiếc nón xứ Huế. Nhưng rồi thiết kế này lại bị dư luận đánh giá chưa thể hiện được “hồn cốt” văn hóa, lịch sử cố đô.
Giải nhất vẫn bị "chê"
Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Giám đốc Ban Đầu tư và Xây dựng giao thông (Sở GTVT Thừa Thiên - Huế) cho hay, ngay từ đầu, BTC nhấn mạnh phương án thiết kế kiến trúc cầu vượt sông Hương ngoài ý nghĩa của một công trình giao thông, cầu vượt sông Hương sẽ là “điểm nhấn” kiến trúc văn hóa góp phần nâng cao giá trị cảnh quan cho đô thị Huế nói chung và sông Hương nói riêng. “Đề bài” khó nên ở lần thi thứ nhất (tháng 10/2015), BTC chỉ nhận 11 phương án của 5 đơn vị. Các phương án dự thi được đánh giá là chất lượng thấp, chưa đáp ứng yêu cầu. Phương án đoạt giải cao nhất cũng chỉ được chấm giải Ba nên không được lựa chọn.
Công trình cầu vượt sông Hương có chiều dài dự kiến 385m, rộng 40,5m, tải trọng thiết kế HL93. Khổ thông thuyền theo tĩnh không thông thuyền của cầu Dã Viên là +4,75m, có thể thay đổi theo phương án kiến trúc dự tuyển. |
Khắc phục hạn chế lần 1, tại lần thi tuyển thứ 2 mới đây, Thừa Thiên-Huế quảng bá rộng rãi và thu hút 20 phương án tham gia dự tuyển của 13 đơn vị. Trong đó có 1 đơn vị nước ngoài. “Lần này, các đơn vị đều đầu tư công phu từ ý tưởng đến cách thể hiện, trình bày, diễn giải. Chất lượng các phương án được cải thiện rõ rệt, đa dạng và phong phú hơn. 11 thành viên Hội đồng tuyển chọn là những giáo sư, tiến sĩ đầu ngành của Trung ương và địa phương đến từ Hội Kiến trúc sư VN, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường VN, Viện Quy hoạch Xây dựng Thừa Thiên-Huế, Hội Quy hoạch phát triển đô thị, Hội Kiến trúc sư tỉnh Thừa Thiên-Huế, Sở Xây dựng, Sở GTVT, Sở VHTT&DL tỉnh Thừa Thiên-Huế, Phòng Quản lý đô thị TP Huế… đánh giá nghiêm túc, kỹ lưỡng tất cả các đề án suốt gần 5 tiếng đồng hồ, không hề có chuyện chấm điểm quá nhanh như lời đồn”, ông Quyền nói.
Kết quả, 3 phương án: Chiếc nón xứ Huế, Vầng trăng sông Hương và Sông Hương núi Ngự được chấm điểm cao nhất. Trong đó, Chiếc nón xứ Huế dẫn đầu với 84 điểm. Nhưng ngay sau khi công bố, nhiều người lại cho rằng phương án đoạt giải Nhất quá xấu, chưa đạt các yêu cầu đặt ra, đặc biệt về yếu tố lịch sử, văn hóa.
PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, Phó chủ tịch Hội đồng tuyển chọn lý giải: “Phương án kiến trúc mô phỏng hình ảnh nón lá đoạt giải cao nhất bởi nó thể hiện cô đọng và thống nhất từ điểm nhấn cao nhất trên mặt cầu đến các nhịp dầm cầu, chi tiết trang trí; ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, đặc biệt tính khả thi là một trong những điểm mạnh của phương án”. Tuy nhiên, ông Thông cũng cho rằng, sự lãng mạn và mỹ cảm tinh tế, sâu lắng về văn hóa cảnh quan Huế chưa đạt được như mong muốn là hạn chế của phương án.
Phương án được chọn cũng sẽ tiếp tục điều chỉnh
Theo khung điểm, hội đồng chọn ra 3 giải. Còn việc các phương án được tuyển chọn có được đem ra triển khai tiếp hay không còn tùy thuộc vào cấp quyết định đầu tư. Việc hội đồng chọn là để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh biết các đồ án với số điểm như vậy để lãnh đạo tỉnh có cơ sở quyết định trao giải cho các chủ nhiệm đồ án.
“Chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo tỉnh các phương án và các cấp, các ngành, các tổ chức sẽ góp ý nên chọn phương án nào và cũng có thể như cầu Dã Viên, trước khi quyết định triển khai các bước tiếp theo sẽ lấy ý kiến của nhân dân…”, ông Quyền nói và cho biết thêm: “Chúng tôi tìm được một phương án kiến trúc công trình đẹp thực sự. và cái đẹp đó phải hướng tới một cái đẹp chung của tỉnh và TP Huế…”.
Theo ông Ngô Văn Tuân, Giám đốc Sở GTVT Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn, phương án đoạt giải nhất tại cuộc thi không đồng nghĩa với việc phương án này được chọn để triển khai xây dựng cầu qua sông Hương. UBND tỉnh sẽ có quyết định lựa chọn trong nhiều phương án đạt điểm cao, sau khi đã tham vấn ý kiến các chuyên gia về xây dựng, kiến trúc và văn hóa Huế...
Nhiều thành viên Hội đồng tuyển chọn cũng cho rằng, nếu được chọn, phương án kiến trúc cầu vượt sông Hương còn phải điều chỉnh những nội dung về kiến trúc, giải trình về phương pháp kết cấu, dự kiến giá thành, sau đó chủ đầu tư mới quyết định. Các chuyên gia lưu ý, trên cơ sở phương án kiến trúc, các đơn vị thiết kế cần tính đến đặc trưng cầu vượt, ngoài yếu tố kỹ, mỹ thuật còn phải tích hợp hài hòa các tiện ích: điểm dừng chân ngắm cảnh, cây xanh, điện chiếu sáng và quy hoạch tổng thể hai bờ sông Hương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận