Ma túy tem giấy dù nhỏ bé nhưng có thể gây ảo giác mạnh cho người dùng |
Những ngày gần đây, thông tin về loại ma tuý mới được gọi là tem giấy hay bùa lưỡi có giá thành thấp nhưng rất nguy hiểm xuất hiện ở Việt Nam đang khiến dư luận không khỏi xôn xao lo ngại.
Tem giấy có kích thước 1,5x1,5 cm, trong một miếng bìa có khoảng 25 tem giấy, giống như miếng bìa chơi của trẻ con.
>>> Xem thêm video:
Theo VnExpress, loại ma túy tem giấy này rất rẻ, chỉ khoảng 20.000 đồng mỗi miếng, trong khi giá của các loại ma túy đá lên đến tiền triệu. Trong khi đó, cách thức sử dụng rất đơn giản, chỉ cần liếm như dán giấy hoặc ngậm trên lưỡi. Loại ma túy này có tác dụng rất nhanh, chỉ sau 5 phút liếm hay ngậm người dùng đã có cảm giác.
Nguy hiểm hơn cả là hình thức xâm nhập của nó chỉ là những miếng tem dán trên miếng bìa rất dễ qua mặt cơ quan chức năng. Nó dễ sản xuất và vận chuyển, chỉ một chiếc cặp học trò đã có thể mang hàng trăm tấm bìa như thế. Người dùng rất thích thử vì có cảm giác về tâm thần như thành vĩ nhân, thiên tài, bay bổng.
Các miếng tem giấy này được tẩm chất LSD, là chất gây ảo giác mạnh nhất từ trước đến nay mà con người biết đến, thuộc nhóm kích thích. Chỉ cần vài chục microgam chất này đã có thể gây ảo giác, hoang tưởng nguy hiểm cho bản thân người dùng và người xung quanh.
Những dấu hiệu nghiện tem giấy
Theo Zing news, khi sử dụng LSD có thể khiến đồng tử của mắt giãn rộng ra, đặc biệt khi ở ngoài ánh sáng. Vì LSD có thể khiến người dùng nhạy cảm hơn với ánh sáng.
Nói líu lưỡi cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn nghiện LSD. Lạm dụng LSD khiến người dùng nói lan man, không diễn đạt những câu mạch lạc, dễ hiểu.
Một dấu hiệu khá nguy hiểm đối với những người sử dụng LSD đó là không biết về nơi họ đang ở. Họ sẽ cảm thấy bối rối và khó xác định được phương hướng, nơi cần đến.
Thường xuyên có biểu hiện bị đổ mồ hôi hoặc thay đổi cảm xúc khác nhau. Thậm chí ra ảo giác cho người dùng khiến họ làm những điều không thể đoán trước hoặc nguy hiểm. Ngoài ra, họ không thể nhận thức được đầy đủ về hành vi của mình và hậu quả của chúng.
“Tem giấy” - một loại ma túy mới đang tấn công trực diện vào giới trẻ |
Trả lời VTV, bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng khoa điều trị các rối loạn liên quan đến lạm dụng chất (khoa H), Bệnh viện tâm thần Hà Nội cho biết, người "chơi tem giấy" cũng có biểu hiện là sợ hãi vô cớ, la hét, đôi khi hung hăng, có biểu hiện muốn tấn công người khác.
Đặc biệt là có biểu hiện bỏ ăn, ngủ ngày thức đêm. Để dễ nhận biết các biểu hiện của con mình có chơi " bùa lưỡi" hay không, phụ huynh nên chú ý nhận biết nếu con mình thường xuyên mất ngủ ban đêm do tăng nhịp tim dẫn đến tình trạng ban ngày ngủ bù; biếng ăn do hoa mắt chóng mặt vì rơi vào trạng thái loạn thần, ảo thanh.
Nếu trường hợp mới sử dụng lần đầu có thể sinh ra ảo giác, không chỉ về hình ảnh mà còn về thính giác như luôn nghe văng vẳng trong tai những suy nghĩ thù địch. Khi rơi vào trạng thái loạn thị thì tất cả các màu sắc, hình thái sự vật đều thay đổi, gây nguy hiểm nếu người dùng tham gia giao thông hoặc không ở trong không gian an toàn vì họ sẽ không nhận thức được nguy hiểm mà lao vào.
Tại Hà Nội, các bệnh viện tâm thần chưa ghi nhận ca bệnh nào nhập viện vì loại ma túy mới này. Tuy nhiên, theo bác sĩ Tuấn, nhiều khả năng Hà Nội cũng có các nạn nhân của "bùa lưỡi" song chưa được phát hiện, chưa có hậu quả để phải vào viện điều trị, cũng có thể người sử dụng là đối tượng quá trẻ nên gia đình giấu.
Quan sát trẻ để phát hiện kịp thời
Báo Thanh Niên dẫn lời khuyên từ một bác sĩ Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, chúng ta cần giáo dục cho con trẻ nhận biết để tránh xa những cuộc chơi mang tính nghiện ngập vì hầu hết các tình trạng nghiện ngập đều bắt đầu từ những cuộc chơi và sự rủ rê, cộng với bản tính tò mò “thử cho biết” của tuổi mới lớn.
Bác sĩ khuyên phụ huynh phải quan tâm, chăm sóc con em mình thật kỹ. Nhận biết những thay đổi tâm sinh lý, biểu hiện của con để sớm biết và can thiệp đúng đắn.
Đặc biệt, phụ huynh đừng cho con em mình nhiều tiền. Khi thấy con có triệu chứng bất thường như mất ngủ hoặc ngủ bất thường (ngủ ngày, đêm thức), hốt hoảng, sợ sệt, hành vi kỳ dị thì nên đến khám bác sĩ chuyên khoa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận