Xã hội hóa đầu tư nạo vét luồng đường thủy giúp vừa giảm bớt gánh nặng ngân sách Nhà nước vừa nâng cao năng lựchạ tầng đường thủy. |
“Ngồi lại”với địa phương,nhà đầu tư
Theo Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam, toàn quốc hiện có 15 dự án đầu tư nạo vét luồng đường thủy đã được triển khai trên thực địa và 30 dự án khác đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ. Con số 15 dự án đã triển khai tuy khiêm tốn, nhưng đã tăng gấp 3 lần so với cuối tháng 3/2015, khi Bộ GTVT tổ chức cuộc họp nghe ý kiến và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư.
Cũng cần nói thêm, trong hơn 4 năm qua, tình hình thực hiện các dự án nạo vét luồng theo hình thức xã hội hóa luôn trong tình trạng “trì trệ” do nhà đầu tư kêu vướng mắc từ phía địa phương. Trong đó có thể kể đến việc nhà đầu tư phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Giấy chứng nhận đầu tư. Hay như việc không chấp thuận cho nạo vét vì đã quy hoạch, không thống nhất được việc đăng ký khối lượng nạo vét, hoặc thời gian xin ý kiến các sở, ngành quá dài.
Cuối tháng 3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03 về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản, trong đó yêu cầu địa phương không được quy hoạch, thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông thuộc diện tích các khu vực nạo vét, khơi thông luồng hàng hải, luồng đường thủy nội địa quốc gia đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đăng ký khối lượng cát thu hồi trong diện tích các dự án nạo vét, khơi thông luồng theo quy định tại Khoản 2, Điều 64, Luật Khoáng sản. Đây là cơ sở rõ ràng để các địa phương chấp thuận cho nhà đầu tư thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy mà trùng vào quy hoạch khoáng sản của địa phương và hướng dẫn đăng ký tận thu sản phẩm cho nhà đầu tư”. Ông Trần Văn Thọ, Phó cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam |
Ông Trần Văn Thọ, Phó cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục đã làm việc với từng nhà đầu tư, đánh giá lại từng dự án để tìm nguyên nhân và biện pháp tháo gỡ khó khăn, cũng như yêu cầu nhà đầu tư làm hết trách nhiệm của mình.
“Cục ĐTNĐ Việt Nam làm việc với các nhà đầu tư, các địa phương, nơi có dự án để trực tiếp trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc của từng dự án cụ thể. Mặt khác, Cục cũng ký quy chế phối hợp với UBND các tỉnh trong việc kiểm tra, giám sát thực hiện dự án”, ông Thọ nói và cho biết, Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng tỏ thái độ kiên quyết đối với các dự án chậm trễ triển khai hoặc không đủ năng lực thực hiện. Thực tế thời gian qua, Cục đã kiến nghị Bộ GTVT thu hồi hai dự án chậm trễ.
Sửa đổi nhiều quy định, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư
Ông Ngô Thành Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Trục vớt luồng hạ lưu - doanh nghiệp thực hiện dự án nạo vét 30 km sông Cầu qua tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, cho biết, Bộ GTVT và Cục ĐTNĐ Việt Nam đã tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp sớm triển khai dự án. Tuy nhiên, sau khi triển khai, lại gặp vướng mắc do khoảng thời gian các địa phương cho phép nạo vét khác nhau, gây bất lợi cho nhà đầu tư.
“Có địa phương quy định mùa lũ đến sớm, chỉ cho phép nạo vét trong khoảng 5 tháng/năm, khiến dự án đối diện với nguy cơ bị chậm tiến độ. Điều này cũng rất lãng phí bởi máy móc, nhân lực nằm chờ trong thời gian dài”, ông Sơn nói.
Tương tự, ông Bùi Văn Dũng, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Dũng Hoa cho biết, dự án nạo vét 2km luồng sông Hồng của doanh nghiệp cũng bị vướng vì khi còn thời hạn hợp đồng, lại rơi vào thời gian quy định mùa lũ, còn khi hết lũ lại hết hạn hợp đồng.
Xác nhận điều này, ông Trần Văn Thọ, Phó cục trưởng Cục ĐTNĐT Việt Nam cho biết, hiện các địa phương quy định thời gian cho phép nạo vét chỉ từ 5-6 tháng gây ảnh hưởng tới tiến độ của dự án. Mặt khác, do chưa có quy định chung nên có địa phương cho thực hiện nạo vét trên cả dự án, có nơi chỉ cho thí điểm 1-2 tháng, có nơi lại theo từng đoạn. Sắp tới, vấn đề này sẽ được bàn bạc để có thống nhất chung nhằm tạo điều kiện hơn cho nhà đầu tư.
Ông Thọ cho biết thêm, hàng loạt những bất cập khác cũng đang được Cục ĐTNĐ Việt Nam dự thảo, lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung Thông tư 37 năm 2013 của Bộ GTVT để tạo cơ chế minh bạch và thuận lợi hơn cho nhà đầu tư.
“Thông tư 37 đang được sửa đổi, hoàn thiện theo hướng nhà đầu tư sau khi xong các thủ tục dự án mới ký hợp đồng với Cục ĐTNĐ Việt Nam. Các bước thực hiện dự án cũng được cụ thể hóa, chặt chẽ hơn để phù hợp và dễ thực hiện nhất. Trong đó, vấn đề quan trọng là việc thực hiện bảo lãnh hợp đồng theo dự án hoặc theo tiến độ thực hiện dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư thực hiện dự án”, ông Thọ cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận