ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (trái) tranh luận với Tổng TTCP Phan Văn Sáu |
Chiều 9/6, sau khi nghe một số ĐBQH thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, chủ toạ điều hành phiên họp đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu giải trình làm rõ thêm một số vấn đề ĐBQH nêu thuộc thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ.
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, theo báo cáo tổng kết năm 2016, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có xu hướng giảm so với năm 2015. Tuy nhiên, Quý I/2017, tình hình khiếu nại, tố cáo có xu hướng tăng trở lại (tăng 28,3% số lượt người, 23% số đoàn đông người, 72,9% số vụ việc so với cùng kỳ năm 2016).
Nguyên nhân của tình hình khiếu nại, tố cáo phức tạp được ông Sáu chỉ ra do chính sách, pháp luật về đất đai nhất là trong công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng đã có nhiều thay đổi, từng bước được hoàn thiện nhưng chưa giải quyết được hài hoà mối quan hệ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất; do công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực còn yếu kém; trong quá trình quản lý và chuyển đổi mô hình chợ ở các địa phương còn nhiều bất cập, hạn chế; trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính, trách nhiệm cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC ở một số nơi chưa thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật...
Giơ biển xin tranh luận với Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Uỷ viên thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội thẳng thắn cho rằng lãnh đạo Thanh tra Chính phủ chỉ ra các nguyên nhân nhưng lại chưa nói đến công việc, trách nhiệm của mình.
"Tính từ kỳ họp thứ hai đến giờ, tôi theo dõi thấy Thanh tra Chính phủ thiếu quyết liệt, chậm đổi mới và kém hiệu quả", ông Nhưỡng thẳng thắn, và nêu ra các dẫn chứng cụ thể là một số vụ việc nổi cộm nằm trong chương trình giám sát của ông.
Trong đó có việc Công ty cổ phần đầu tư kim khí Hải Phòng kêu cứu từ năm 2015 do thành phố phê duyệt đề án làm bến xe Thượng Lý theo chương trình xã hội hóa để chuyển bến xe Tam Bạc. Nhưng sau đó thành phố lờ đi không thực hiện đề án này. Thủ tướng Chính phủ đã ba lần chỉ đạo, trong đó có một lần từ khi đồng chí còn là Phó Thủ tướng. "Người ta đã lên tận cơ quan tiếp công dân kêu cứu, đến nay chưa được quan tâm giải quyết. Thanh tra Chính phủ không đôn đốc, cũng không có động tác gì cả, đến bây giờ DN bây giờ rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn" - ông Nhưỡng nói.
Một vụ việc nữa được ông Nhưỡng dẫn chứng là việc xảy ra ở thôn Hoành, xã Mỹ Đức, huyện Đồng Tâm (Hà Nội) khi việc giải quyết khiếu nại, tiếp công dân không đáp ứng yêu cầu khiến bà con bức xúc đã bắt giữ 38 chiến sỹ làm con tin. Theo đó, đích thân Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phải vào tận nơi đối thoại với dân để "giải cứu" cán bộ bị dân tạm giữ.
"Hà Nội khi đó đã ra quyết định thanh tra toàn bộ đất đai sân bay Miếu Môn. Đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng an ninh, không thuộc diện đất của Hà Nội, nhưng tôi lại chưa thấy Thanh tra Chính phủ có ý kiến gì về việc này. Lẽ ra Thanh tra Chính phủ phải tham mưu cho Chính phủ, vậy mà đồng chí không cho rằng một trong những nguyên nhân thuộc về hệ thống thanh tra" - ông Nhưỡng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận