Hà Nội nhiều năm bị xếp nhóm đạt điểm thấp nhất ở tiêu chí hiệu quả quản trị và hành chính công (Người dân đến giao dịch tại bộ phận Một cửa phường Hà Cầu, quận Hà Đông) - Ảnh: Bích Hương |
Cho dù có dùng công cụ nào, phương pháp ra sao thì PAPI cùng các công cụ đo lường khác như PCI, chỉ số MEI... cũng chỉ là đánh giá hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước, cải thiện mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với các dịch vụ hành chính công.
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2016 (PAPI 2016) được công bố sáng 4/4, một lần nữa cho thấy, hiệu quả quản trị, cung ứng dịch vụ công tại mỗi tỉnh, thành phố không phụ thuộc nhiều vào vị trí địa lý, tổng sản phẩm địa phương (GRDP), thu nhập bình quân đầu người...
Theo đó, Cần Thơ dẫn đầu cả nước về mức độ hài lòng của người dân với tổng điểm 39,57; tiếp đến là một số tỉnh, thành như: Hà Tĩnh (39,32), Đà Nẵng (38,58), Phú Thọ (38,53), Quảng Bình (38,41), Bến Tre (38,37)... Ngược lại, đứng cuối bảng là: Bình Dương, Quảng Ninh, Kiên Giang, Bạc Liêu… Đáng chú ý, Hà Nội góp mặt trong nhóm đạt kết quả thấp nhất, trong đó, người dân đặc biệt đánh giá thấp đối với chỉ số trách nhiệm giải trình và chỉ số công khai, minh bạch.
Tuy nhiên, cùng đo lường với những tiêu chí khá tương đồng, như thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, môi trường, việc làm..., cùng một bộ máy quản lý của địa phương song qua hai góc nhìn của doanh nghiệp (PCI - do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện) và người dân (PAPI - do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển & hỗ trợ cộng đồng và Trung tâm Đào tạo cán bộ & Nghiên cứu khoa học của MTTQ thực hiện) lại có nhiều điểm khác biệt khá thú vị.
Lấy ví dụ, các tỉnh duy trì vị trí trong nhóm đạt điểm cao nhất PAPI qua 6 năm liên tiếp, từ 2011 - 2016 bao gồm: Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, ngoại trừ Đà Nẵng cũng đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2016, 3 địa phương còn lại chỉ ở mức trung bình của bảng xếp hạng PCI vừa qua, lần lượt ở vị trí thứ 30, 39 và 43/60 tỉnh, thành phố. Ở chiều ngược lại, Quảng Ninh, Bình Dương “ngậm ngùi” đứng bét bảng về PAPI, nhưng trước đó lại được vinh danh trong nhóm “rất tốt” khi xếp hạng lần lượt 2 và 4 về PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh)...
Điều đó cho thấy, cùng là “khách hàng”, song có sự khác biệt đáng kể về yêu cầu giữa hai nhóm người dân và doanh nghiệp. Điều đó cũng có nghĩa, địa phương dù đã thực hiện tốt ở khía cạnh này, song nội dung khác vẫn cần nỗ lực. Và mỗi chính sách, mỗi biện pháp cần được linh hoạt, uyển chuyển khi áp dụng cho mỗi “khách hàng” khác nhau. Thậm chí, không loại trừ, có những chính sách mang lại hiệu quả, lợi ích cho doanh nghiệp, song lại có thể đi ngược với quyền lợi của người dân. Đơn cử như việc tạo điều kiện thuận lợi trong cấp phép đầu tư sẽ dễ “ghi điểm” với doanh nghiệp, song nếu buông lỏng quản lý, dễ dãi với những yêu cầu về môi trường sẽ bị “mất điểm” với người dân.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, dù cho có dùng công cụ nào và phương pháp ra sao thì PAPI cùng các công cụ đo lường khác như PCI, chỉ số MEI (đánh giá chất lượng và hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật và kinh doanh của các bộ, ngành)... đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước, cải thiện mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với các dịch vụ hành chính công.
Diễn biến thực tế về việc thăng hay tụt hạng cho thấy, dù ở vị trí xếp hạng nào thì bộ, ngành, địa phương vẫn đều có thể cải thiện năng lực, thái độ của công chức, viên chức của mình, nếu lãnh đạo bộ, ngành, địa phương đó thực sự cầu thị, quyết tâm và có phương pháp. Đó là nền tảng cốt lõi để cùng góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, phục vụ nhân dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận