Hiện TCT Đường sắt Việt Nam quản lý 37 đầu máy Đ12E 1.000 mã lực được sản xuất năm 1985 - Ảnh: Tạ Tôn |
Từ trước tới nay, chúng ta chưa có quy định về niên hạn đầu máy, cứ sử dụng đến khi nào thấy khai thác không hiệu quả nữa thì dừng. Chỉ khi Luật Đường sắt 2017 có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 mới quy định niên hạn phương tiện giao thông đường sắt, trong đó niên hạn đối với đầu máy là không quá 40 năm.
Có điểm đáng lưu ý là khác với ô tô, trong thiết kế đầu máy, người ta không tính toán thời hạn sử dụng bao nhiêu năm mà chỉ tính toán độ hao mòn phụ tùng đến mức độ nào đó phải thay mới. Còn trong quá trình khai thác, những bộ phận an toàn thường xuyên được chăm sóc và thay mới. Khi đầu máy vào cấp đại tu, phụ tùng đã được thay thế mới đến 80% để khôi phục lại trạng thái hoạt động của đầu máy một cách hiệu quả, giống như động cơ mới hoàn toàn. Các chi tiết đầu máy mà ảnh hưởng đến chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật liên quan đến giá thành vận tải như tiêu hao nhiên liệu cũng được thay mới.
Ví dụ đầu máy Rumani D11H sản xuất, nhập về Việt Nam từ năm 1978, đến năm 1995 mới bắt đầu khôi phục lại, có nghĩa là những bộ phận cơ bản, bộ phận an toàn đã được thay thế. Nhưng mốc để tính niên hạn theo luật lại từ năm 1978. Do vậy, cách tính niên hạn chỉ căn cứ vào năm sản xuất sẽ lãng phí cả chi phí phải bỏ ra để thay thế phụ tùng khi đầu máy đã đại tu, đồng thời lãng phí cả sức kéo vì dù qua niên hạn theo luật nhưng đầu máy vẫn đang vận dụng tốt. Những đầu máy này chỉ không phù hợp để kéo tàu Thống Nhất, tải trọng lớn nhưng vẫn khai thác hiệu quả ở những tuyến ngắn hoặc kéo nhẹ.
Trong khi đó, để đầu tư đầu máy thay thế đầu máy cũ sẽ rất tốt kém, gây khó khăn lớn cho đường sắt VN với năng lực tài chính hiện nay. Đầu máy Đổi mới D19E công suất 1.900 mã lực của Trung Quốc khi mới đầu tư năm 2001 đã có giá khoảng 1 triệu USD/chiếc. Đây là đầu máy công suất lớn, khai thác hiệu quả, giá thành rẻ so với các đầu máy khác. Còn tính về áp dụng công nghệ mới nhất, về thiết kế và chất lượng, đầu máy hiện đại nhất đường sắt Việt Nam hiện nay là đầu máy Đức D20E công suất 2.000 mã lực, nhưng giá rất đắt. Khi Đường sắt VN được đầu tư bằng vốn ODA vào những năm 2006, giá một đầu máy D20E lên đến 2,8 triệu euro (theo thời giá quy đổi hồi đó khoảng trên 50 tỷ đồng).
Nếu về hiệu quả kinh tế, khi khai thác đầu máy chủ yếu phải tính toán sao cho vận dụng hợp lý, phải tính công suất của đầu máy để khai thác kéo tàu từng tuyến thế nào cho hiệu quả. Ví dụ, đầu máy công suất 1.000 mã lực, chỉ kéo tàu 300 - 400 tấn, chạy tuyến ngắn. Nhưng nếu dùng đầu máy Đổi mới công suất 1.900 mã lực để kéo 300 - 400 tấn lại là lãng phí sức kéo, không hiệu quả về kinh tế bằng đầu máy D9E của Mỹ đã được sử dụng từ cách đây 40 năm.
Vì vậy, cần phải tính toán kỹ lưỡng, cụ thể để vừa có thể triển khai thực hiện về niên hạn theo quy định, vừa khai thác, vận dụng hiệu quả các đầu máy hiện tại, sao cho tránh lãng phí và giảm chi phí đầu tư đầu máy mới một cách thấp nhất. Việc này cũng đồng thời giảm áp lực cho đường sắt Việt Nam và nâng cao thị phần vận tải.
Bùi Văn Tựu
Nguyên TGĐ Liên hiệp sức kéo đường sắt
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận