Sự việc CLB Thanh Hóa đang lao đao vì gánh nặng tài chính một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cho thấy rõ bộ mặt của các doanh nghiệp đến với bóng đá thường là quan hệ đổi chác, lấy những lợi ích tại địa phương có đội bóng và tới khi đã đạt được đủ lợi ích thì sẽ tìm cách rút lui.
Không có tâm, hành xử thiếu chuyên nghiệp
Ngay sau vòng loại U23 châu Á 2020, người hâm mộ bóng đá Việt Nam phải đón nhận một tin kém vui khi CLB Thanh Hóa lao đao vì thiếu tiền. Ngoài số tiền phải thanh toán cho Công ty Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (1,17 tỷ đồng) theo điều lệ Giải vô địch quốc gia (V-League), đội bóng xứ Thanh cũng không có tiền chi trả lương, thưởng cho cầu thủ trong 2 tháng gần nhất. Thực trạng này xuất phát từ việc nhà tài trợ FLC rút lui sau mùa giải năm ngoái. Đang từ đội bóng chi tiêu rủng rỉnh, Thanh Hóa bỗng trở nên kiệt quệ bởi mất đi “bầu sữa” dồi dào từ bầu Quyết.
CLB Thanh Hóa không phải cái tên duy nhất của bóng đá Việt Nam lâm vào hoàn cảnh tương tự. Năm 2014, bầu Trường cũng tuyên bố bỏ giải khiến Vissai Ninh Bình phải giải tán, chỉ còn duy trì đào tạo trẻ dựa vào nguồn ngân sách địa phương. Trước đó một năm, Xi măng Xuân Thành Sài Gòn của bầu Thụy bỏ dở mùa giải 2013 trước khi cầu thủ ly tán mỗi người một nơi. Cái tên Xuân Thành Sài Gòn hay Vissai Ninh Bình giờ chỉ còn là dĩ vãng và Thanh Hóa nếu không sớm tìm ra lời giải cho bài toán tài chính cũng sẽ lâm vào hoàn cảnh tương tự.
Từ việc ông bầu bỏ giải, đội bóng lao đao, rõ ràng các CLB bóng đá Việt Nam tiếng đã lên chuyên nghiệp nhưng bản chất vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào các ông bầu. Chỉ cần ông bầu hoặc doanh nghiệp của ông bầu “hắt hơi xổ mũi”, đội bóng sẽ bị ảnh hưởng. Nói cách khác, mô hình phát triển như vậy không hề bền vững. Ông Lê Thế Thọ, nguyên Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) chia sẻ, các CLB Việt Nam phụ thuộc vào ông bầu nhưng bản thân những vị này lại không có tâm, hành xử thiếu chuyên nghiệp. “Bóng đá Việt Nam, ông bầu thích đến là đến, thích đi là đi. Trong khi đó, đội bóng gần như không có bất kỳ nguồn thu nào khác nên cứ lên xuống theo cách làm việc nghiệp dư của ông bầu”.
Ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cho rằng, các doanh nghiệp đến với bóng đá thường là quan hệ đổi chác, lấy những lợi ích tại địa phương có đội bóng và tới khi đã đạt được đủ lợi ích thì sẽ tìm cách rút lui. “Việc tìm được những ông bầu thực sự đam mê bóng đá, sống chết với bóng đá như bầu Đức là cực kỳ khó”, ông Tú nói.
Bên cạnh đó, ông Trần Anh Tú cũng nhận định, hầu hết các đội bóng Việt Nam đều chưa có người làm kinh doanh, chưa có tư duy làm kinh doanh: “Quan chức CLB đều tập trung vào việc chi tiêu tiết kiệm trong khoản tiền được nhà tài trợ rót hàng năm. Ở chiều ngược lại, họ không hề nghĩ và có lẽ cũng không nghĩ được cách để kiếm tiền từ bán vé, bán sản phẩm lưu niệm hay thu hút thêm những nhà tài trợ khác”.
Đứng trên góc độ tổ chức điều hành bóng đá Việt Nam, Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh cho hay, VFF chỉ định hướng, xây dựng các tiêu chuẩn CLB bóng đá chuyên nghiệp còn việc phát triển hay kiếm tiền thì CLB phải tự thân vận động. Khi được hỏi liệu có sự du di trong việc cấp phép thành lập các CLB khi chưa đủ chuẩn, dẫn tới thiếu bền vững, ông Lê Hoài Anh thừa nhận: “Đúng là VFF phải có sự linh động bởi điều kiện thực tế không cho phép làm chặt tay. Nếu làm chặt, có thể chúng ta sẽ không thể tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp, cũng đồng nghĩa cả nền bóng đá sẽ trì trệ”.
Hậu quả đến từ sự dễ dãi trong cách làm bóng đá
Đáp lại ý kiến của ông Lê Hoài Anh, nguyên Phó chủ tịch VFF Lê Thế Thọ quả quyết, phải siết chặt các quy định về cấp phép, tổ chức đội bóng và cả việc hợp tác giữa ông bầu và các đội bóng. “Sự dễ dãi trong cách làm bóng đá của chúng ta khiến chúng ta đang phải gánh hậu quả. Theo tôi, muốn thay đổi thực sự thì cần mạnh tay. Thà đá 5-7 đội nhưng chất lượng còn hơn đá 14 đội nhưng nay ông này kêu không có tiền, mai ông kia muốn bỏ giải, như vậy đâu phải bóng đá nhà nghề”.
Chia sẻ với quan điểm của ông Lê Thế Thọ, nhưng ông Trần Anh Tú cho rằng, với một CLB ở Việt Nam, để đạt được những tiêu chuẩn không hề dễ dàng. “Tôi nói ngay như mặt sân, khán đài cần đạt chuẩn nhưng để sửa chữa, nâng cấp lại là cả vấn đề bởi đa phần sân thuộc sở hữu nhà nước”, ông Tú nói và phân tích thêm: “Đương nhiên, nói như vậy không đồng nghĩa rằng chúng ta buông xuôi. Theo tôi, việc cấp bách trước mắt là các CLB phải ý thức được việc sống còn của làm kinh tế. Các CLB nên bổ sung những doanh nhân vào trong bộ máy lãnh đạo để nâng cao năng lực kinh doanh. Bản chất của CLB chuyên nghiệp là công ty, mà công ty nếu không kinh doanh chắc chắn sẽ phá sản”.
Ở góc nhìn khác, bình luận viên Vũ Quang Huy đưa ra phương án biến các CLB thành sở hữu cộng đồng: “CLB Phù Đổng ở giải hạng Nhất họ có rất nhiều cổ đông đóng góp bên cạnh nhà tài trợ chính. Đó chính là bóng đá cộng đồng. Mỗi CLB bóng đá Việt Nam đều có thể chia nhỏ cổ phần để bán cho các tổ chức, cá nhân khác nhau đủ điều kiện. Làm được như vậy, đội bóng sẽ thoát khỏi tình trạng phụ thuộc hết vào một ông bầu. Tại châu Á, các CLB của Nhật Bản đang hoạt động theo mô hình này và họ rất thành công”.
Về tính khả thi, ông Huy nhấn mạnh: “Nếu cách đây vài năm mà nói tới chuyện này hẳn sẽ bị mắng là điên bởi khi đó bóng đá Việt Nam toàn thất bại, niềm tin xuống rất thấp. Nhưng hiện nay, bóng đá Việt Nam đang cực kỳ khí thế sau những thắng lợi liên tiếp trên các đấu trường quốc tế. Tôi cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để nghĩ tới mô hình bóng đá cộng đồng. Quan trọng là các CLB có dám làm, dám thay đổi hay không”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận