Xã hội

Đề nghị Quốc hội thành lập Uỷ ban lâm thời điều tra vụ Formosa

20/07/2016, 21:32

Luật cho phép QH lập ủy ban lâm thời xem xét vụ việc nổi cộm, và chúng ta nên bắt đầu từ vụ Formosa.

13720536_987021708077481_1234449233_o

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa trả lời báo giới bên hành lang Quốc hội

Ngày 20/7, Quốc hội khoá XIV chính thức khai mạc phiên họp đầu tiên. Bên hành lang Quốc hội, nhiều ý kiến của các ĐBQH đã đề cập đến vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm thời gian qua, đó là vụ Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường khiến cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung.

Nhắc đến vấn đề này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Quốc hội cần phải cho thành lập một Uỷ ban lâm thời để điều tra làm rõ vụ Formosa.

Theo ông Nghĩa, luật cho phép Quốc hội lập ủy ban lâm thời để xem xét về các vụ việc nổi cộm, nhưng thực tế chúng ta chưa bao giờ làm.

Cho đến nay, khi có một sự việc nghiêm trọng như Formosa thì vị ĐB này bày tỏ quan điểm ủng hộ việc Quốc hội cho thành lập Uỷ ban lâm thời điều tra vụ Formosa, sau đó sẽ tính đến các dự án tương tự.

"Vấn đề Formosa không chỉ là chuyện hôm nay mà của cả 70 năm tới. Dự án 70 năm, nhưng ngay trong giai đoạn đầu đã thấy xuất hiện nhiều vi phạm, thể hiện sự coi thường luật pháp Việt Nam, coi thường quyền lợi của người dân Việt Nam" - ông Nghĩa nêu quan điểm.

Đánh giá về công tác giám sát của Quốc hội qua vụ việc của Formosa, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng hoạt động giám sát của Quốc hội tại nhiệm kỳ này đối với các cơ quan hành pháp cần phải nỗ lực hơn, sâu sát hơn và kiên quyết hơn ở nhiệm kỳ trước.

"Trong Quốc hội, chúng ta còn có hiện tượng cả nể. Do đó, các Ủy ban phải làm đúng vai trò của mình hơn. Các ĐBQH khi đã là đại biểu dân cử rồi, thì phải đặt trách nhiệm dân cử lên cao hơn và tránh tình trạng nể nang, bởi chính tình trạng nể nang này làm cho việc giám sát không đến nơi đến chốn" - ông Nghĩa nói và nhấn mạnh, với việc phát hiện những vi phạm nghiêm trọng vừa qua, cũng cho thấy công tác hành pháp của chúng ta đã sơ hở. "Có lúc tôi có cảm giác như cơ quan quản lý nhà nước đã bất lực trước những sai phạm đó, kể cả ở cấp trung ương và cấp địa phương" - ông Nghĩa nói.

Vị đại biểu này cũng nhấn mạnh, đã đến lúc chúng ta phải rà lại tất cả các quy trình để xem có đủ sức "gạn lọc", ngăn cản được những tiêu cực của người có trách nhiệm xây dựng cũng như là phê chuẩn những quy trình hay không. Vì mọi quy trình đều do con người xây dựng và thông qua, nên trước hết phải xem xét yếu tố con người.

"Nếu con người tốt và có trách nhiệm cao, thì dù quy trình chưa chặt chẽ thì người ta cũng sẽ bổ túc bổ sung, đề nghị hoàn thiện. Còn nếu con người không tốt, thì dù quy trình chặt chẽ người ta vẫn tìm cách để lách, bỏ qua" - ông Nghĩa phân tích và cho rằng để giải quyết triệt để cần phải xem xét, xử lý ở cả hai khâu là con người và quy trình. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.