Hạ tầng

Để Nhà nước, người dân cùng hưởng lợi từ đường đô thị

22/12/2016, 07:29
image

Người dân Đà Nẵng hưởng lợi từ bộ mặt đô thị khang trang. Nhà nước cũng thu nguồn lợi không nhỏ nhờ chênh lệch...

4

Đường Võ Văn Kiệt, điển hình trong công tác GPMB thu lợi lớn cho cả Nhà nước và nhân dân - Ảnh: Tấn Việt

>>> Nhà nước "tặng" hàng tỷ USD cho tư nhân khi mở đường 

>>> Nhà nước thiệt lớn khi làm đường đô thị: Lợi vào túi tư nhân

Với phương châm lo đất tái định cư trước, GPMB sau, đồng thời quy hoạch sâu hai bên đường để tổ chức đấu giá công khai, nhiều năm qua, người dân Đà Nẵng hưởng lợi từ bộ mặt đô thị khang trang. Nhà nước cũng thu nguồn lợi không nhỏ nhờ chênh lệch giá đất trước và sau khi các công trình giao thông hoàn thành.

GPMB rộng, bán đấu giá đất mặt tiền

Năm 2008, với nhu cầu cấp thiết kết nối giao thông từ sân bay Đà Nẵng tới biển Mỹ Khê, UBND TP Đà Nẵng giao Sở GTVT TP làm chủ đầu tư, đưa vào quy hoạch dự án đường Nguyễn Văn Linh kéo dài (nay là đường Võ Văn Kiệt, quận Sơn Trà) nối cầu Rồng từ sát bờ Đông sông Hàn ra biển. Ông Võ Tiến Dũng, Phó giám đốc Ban QLDA hạ tầng & phát triển đô thị Đà Nẵng (nguyên Trưởng ban QLDA công trình đường Bạch Đằng Đông, đơn vị điều hành dự án đường Võ Văn Kiệt) cho biết, tuyến đường dài 1,43km, mặt cắt đường 48m chạy qua ba phường của quận Sơn Trà. Điều đặc biệt, đơn vị điều hành dự án trực tiếp làm công tác GPMB, sau đó mới giao cho nhà thầu thi công.

"Chúng tôi xuống gặp dân nhiều lần. Thậm chí, buổi tối cũng kéo nhau xuống gõ cửa từng nhà trực tiếp đối thoại để nghe nguyện vọng, cố gắng hài hòa lợi ích giữa các bên. Ngay cả lãnh đạo thành phố cũng mời dân lên họp rồi cho xe chở đến nơi tái định cư để chọn đất”.

Ông Lê Minh Trung
Bí thư Quận ủy Thanh Khê

Ngay từ năm 2009, công tác GPMB đã được triển khai rốt ráo. Có tất cả 1.074 hộ dân thuộc diện phải di dời với mức đền bù trung bình 450 triệu đồng/hộ, bố trí tái định cư (TĐC) 1.153 lô đất, không có trường hợp nào phải áp dụng biện pháp cưỡng chế. Dự án có tổng mức đầu tư 676,3 tỷ đồng, riêng chi phí GPMB chiếm 483,3 tỷ đồng. Theo ông Dũng, dự án được quy hoạch với chủ trương GPMB sâu vào hai bên đường, chỗ rộng nhất tính từ tim đường sang mỗi bên khoảng 100m.

Đầu năm 2013, khi đưa vào sử dụng, quỹ đất rộng rãi chạy dọc theo tuyến đường được TP xây dựng công viên, khu vui chơi và tổ chức bán đấu giá. Mới đây nhất, đầu năm 2016, Đà Nẵng rao bán đấu giá 7 khu đất vàng mặt tiền đường Võ Văn Kiệt với diện tích mỗi khu từ 1.300m2 đến hơn 13.000m2, giá khởi điểm thấp nhất 24 triệu đồng/m2, cao nhất 36 triệu đồng/m2. Dù đến nay chưa có thông tin về kết quả đấu giá, nhưng có thể thấy, Đà Nẵng dễ dàng thu hồi vốn, thậm chí sinh lời từ dự án, giúp Nhà nước thu lợi lớn từ chênh lệch giá đất. Bên cạnh đó, là hàng chục lô đất nhỏ khác nằm ngay mặt tiền con đường hấp dẫn này, đang “lên cơn sốt” với giá giao dịch ngoài thị trường có khi đến 110 triệu đồng/m2.

Xem thêm video:

Thành công nhờ ba cơ chế

Nhiều năm lăn lộn GPMB với các dự án làm đổi thay phía Đông Đà Nẵng, ông Võ Tiến Dũng đúc kết ba cơ chế giúp TP thành công thời gian qua: Thu hồi đất theo quy hoạch, đối thoại - đồng thuận, góp đất làm đường. Mỗi khi quy hoạch dự án giao thông, Hội đồng GPMB của TP trực tiếp quán xuyến tất cả các khâu, nhà thầu chỉ chuyên tâm thi công. Các hộ dân bị giải tỏa đều được áp giá theo biểu giá chung do TP ban hành hàng năm, tạo sự công bằng. Đối với các hộ thuộc diện bị thu hồi một phần đất, phần còn lại vẫn có thể xây nhà, TP chỉ đền bù giá trị tài sản trên đất bị thu hồi, không đền bù đất, sau đó dân vẫn hưởng lợi nhờ “ra mặt tiền”, giá trị sinh lời tăng. Những hộ bị thu hồi đất nhiều sẽ được các Ban GPMB đền bù toàn bộ, hạn chế nhà siêu mỏng.

“Quan trọng nhất vẫn là tạo sự ủng hộ trong nhân dân. Chúng tôi có quy định mỗi dự án GPMB phải trên 80% hộ đồng ý mới triển khai, 20% còn lại tiếp tục vận động, được phép đối thoại với lãnh đạo cao nhất của TP. Công tác thông tin, tuyên truyền, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân luôn được thực hiện nhiều lần cũng góp phần tạo nên thành công cho mỗi công trình”, ông Dũng nói và cho biết, các công trình Đà Nẵng đã và đang triển khai đều có số hộ khiếu kiện rất ít, dưới 10%. Số hộ phải cưỡng chế di dời càng hiếm.

Theo Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng Trần Đình Quỳnh, dù Luật Đất đai mới năm 2013 sửa đổi nhiều quy định liên quan đến công tác GPMB, bố trí tái định cư cho người dân, nhưng Đà Nẵng vẫn kiên trì, phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước - nhân dân. “Đà Nẵng đảm bảo đầu tư các công trình theo quy hoạch chung dài hạn đã phê duyệt. Trong đó, vị trí nào được xác định khai thác quỹ đất sẽ GPMB rộng hai bên đường, vị trí chỉ mở rộng, nâng cấp đường thì hạn chế GPMB”, ông Quỳnh nói và cho biết, từ năm 2014 đến nay, vì lý do thiếu quỹ đất tái định cư nên TP hạn chế GPMB rộng, chỉ giải tỏa một số vị trí quy hoạch khu dân cư mới chạy theo tuyến đường, tạo chỉnh trang đô thị đồng bộ, hiện đại.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Quý, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, dấu ấn tạo nên thương hiệu GPMB của địa phương là làm công tác tư tưởng cho người dân vùng giải tỏa. Ông Quý nhấn mạnh: “Vấn đề là không được phép để xảy ra tình trạng “cò” đất, làm giá khi quy hoạch dẫn đến việc người dân bị lừa, chịu thiệt thòi về sau. Tất cả nên công bằng, minh bạch, để các hộ tự soi chiếu nhau. Lãnh đạo Đà Nẵng luôn cam kết nơi tái định cư phải tốt hơn hoặc ít nhất là bằng nơi ở cũ. Khi người dân đã tin, chấp nhận theo chủ trương của TP, làm bất cứ việc gì cũng dễ”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.