Xã hội

Đề xuất 15 năm đóng BHXH sẽ được chế độ hưu

11/05/2018, 07:04

Ngày 10/5, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII thảo luận về Đề án cải cách chính sách BHXH.

1

Theo đề án cải cách chính sách BHXH trình Hội nghị T.Ư 7, lao động trong những ngành nghề đặc thù có thể được nghỉ hưu sớm (Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Công ty May Hưng Long, Hưng Yên) - Ảnh: Tạ Tốn

Giảm thời gian tham gia BHXH hưởng chế độ hưu

Buổi sáng nội dung này được thảo luận tại tổ và thảo luận tại hội trường vào buổi chiều dưới sự chủ trì của Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng.

Góp ý kiến tại phiên thảo luật, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, muốn phát triển BHXH thì phải chú ý phát triển kinh tế, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân. Bộ trưởng Dung dẫn số liệu, hiện nay chúng ta còn 15,6 triệu hộ kinh doanh cá thể nên thời gian tới phải tập trung cao phát triển BHXH trong lực lượng này. Cùng với đó, Nhà nước có chủ trương hỗ trợ cho người khó khăn có thể tham gia BHXH.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc so sánh, trên thế giới hiện nay tuổi nghỉ hưu khoảng 60-67 tuổi. Ví dụ Mỹ, bình quân 63 tuổi, Malaysia là 60 tuổi. Trung Quốc với nam là 60 và nữ là 55, nhưng nữ 55 tuổi chỉ đối với công chức doanh nghiệp nhà nước còn đối với các lĩnh vực khác là 50 tuổi. Thái Lan đến năm 2022 là 61 tuổi và đến 2024 là 63 tuổi... Theo ông Phớc, chúng ta có thể điều chỉnh nam là 62 tuổi đối với các lĩnh vực công chức, viên chức trong đơn vị hành chính sự nghiệp. Còn 60 tuổi đối với các lĩnh vực khác, đặc biệt là lĩnh vực lao động nặng nhọc.

“Hiện nay, Nhà nước đang thực hiện chủ trương đối với hộ nghèo hỗ trợ 30%, hộ cận nghèo 25% và người bình thường 10% để tham gia BHXH. Nhưng thực ra những chủ trương này vừa qua chưa thực sự hấp dẫn. Vì trong thực tiễn, người nghèo mà Nhà nước hỗ trợ 30% thì cũng khó có thể tham gia được”, ông Dung nêu ý kiến và dẫn chứng thêm, hiện nay một số nước như Indonesia hay Trung Quốc, đối với hộ nghèo hỗ trợ 60%.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm, nhằm hướng tới BHXH toàn dân cần tăng BHXH bắt buộc về đối tượng và quy mô, bởi trong tổng số 53 triệu lao động hiện nay, mới chỉ có 13 triệu người tham gia bảo hiểm bắt buộc và chỉ 200 nghìn người tham gia bảo hiểm tự nguyện. Bên cạnh đó, Trung ương cũng cần cân nhắc việc thay đổi điều kiện chế độ hưu trí từ 20 năm tham gia BHXH xuống 10 năm như trong Đề án. “Đây là vấn đề hết sức thận trọng, có 10 năm đóng bảo hiểm là đã nghỉ hưu rồi mà trước đây là 20 năm. Khi thảo luận về vấn đề này, Đảng, Đoàn Quốc hội chỉ đề nghị xuống 15 năm, mà 15 năm cũng là đột phá. Bây giờ xuống 10 năm thì tình hình quỹ của chúng ta như thế nào? Đóng 10 năm nhưng hưởng hưu trí 22 năm, thậm chí tuổi thọ tăng hơn nữa thì quỹ cân đối như thế nào?”, ông Hiển đặt vấn đề và cho rằng có khả năng sẽ xảy ra mất cân đối giữa thu và chi. Vì thế, không nên giảm quá sâu mà “cùng lắm 15 năm đã là tích cực rồi”.

2

Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu thảo luận tại hội nghị - Ảnh: TTXVN

Đề nghị tăng mức phạt hành vi trốn đóng, nợ đọng BHXH

Đề cập đến tình trạng số người hưởng BHXH một lần ngày càng tăng, làm mất đi ý nghĩa của việc đóng BHXH cũng như ảnh hưởng đến cân đối quỹ, ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra số liệu, từ giai đoạn 2012-2017, bình quân mỗi năm có 628 nghìn người hưởng BHXH một lần. Tức là cứ 2 người tham gia BHXH thì 1 người rút ra khỏi hệ thống. “Nên nghiên cứu tính toán quy định khi người lao động nhận trợ cấp một lần chỉ nhận phần người lao động đóng, còn phần Nhà nước hoặc người sử dụng lao động đóng thì không được nhận. Như vậy mới hạn chế người lao động xin hưởng bảo hiểm một lần”, ông Cường nói.

Điều chỉnh tuổi hưu là xu thế tất yếu

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, việc điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu là xu thế tất yếu trong bối cảnh nước ta hiện nay.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phân tích, tuổi nghỉ hưu thực tế của chúng ta hiện nay thấp nhất trong khu vực, việc cân đối quỹ nếu tự thân cũng rất khó khăn. Vì vậy, ông đề nghị Trung ương có quyết tâm chính trị rất lớn bởi đây là “thời cơ vàng” để quyết định chủ trương này. “Trước hết, về chọn thời điểm trong tờ trình Trung ương xin cho phép bắt đầu điều chỉnh từ năm 2021, thời điểm bắt đầu dân số già”, ông Dung nói.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tình trạng trốn, nợ đọng BHXH không phải là vấn đề mới mà diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố và nhiều doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư  nước ngoài và kể cả doanh nghiệp nhà nước. Nhiều trường hợp doanh nghiệp xuất trình bảng lương của người lao động với cơ quan thuế cao hơn nhiều so với xuất trình sổ lương của người lao động với cơ quan BHXH. Theo ông Hùng, số nợ BHXH ước tính đến giữa năm 2017 là gần 15 nghìn tỷ đồng, vì thế, ông đề nghị tăng mức phạt và có sự tham gia của cơ quan thuế.

“Cơ quan thuế có thể sẽ thực hiện đồng thời với thu thuế và thu các khoản bảo hiểm bắt buộc của các đơn vị sử dụng lao động. Qua đó, sẽ hạn chế tình trạng chây ì, trốn đóng BHXH và tình trạng 2 sổ lương như hiện nay. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng lương tối thiểu để làm cơ sở đóng BHXH. Do đó, nên tiến tới liên thông giữa cơ quan thuế và cơ quan BHXH để thu BHXH theo tiền lương. Doanh nghiệp kê khai thuế và căn cứ quyết toán chi phí lao động để khấu trừ thuế của doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ phải đóng BHXH đúng với mức lương của người lao động được hưởng”, ông Hùng phân tích.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.