Phối cảnh nhà ga hành khách phía sau sân đỗ máy bay CHK quốc tế Long Thành |
Không có cơ chế đặc thù, năm 2018 không thể khởi công
Ông Đặng Minh Đức, Phó giám đốc Sở Tài nguyên& Môi trường Đồng Nai cho biết, UBND tỉnh vừa hoàn tất Đề án xây dựng cơ chế đặc thù trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án CHK quốc tế Long Thành.
“Nếu tiến hành theo trình tự, thủ tục đúng như quy định của Luật Đất đai 2013, sẽ không kịp triển khai công tác bồi thường, GPMB, tái định cư để bàn giao cho chủ đầu tư tiến hành khởi công xây dựng dự án theo dự kiến vào cuối năm 2018”, ông Đức khẳng định.
Dự án CHK quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm Quốc gia, có diện tích đất thu hồi lớn (5.000ha), nằm trên địa bàn 6 xã, ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 4.000 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức. Trong số 5.000ha này, diện tích xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không là 2.750ha, diện tích cho quốc phòng là 1.050ha và diện tích đất dành cho các hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác là 1.200ha. |
Một trong những điểm đáng lưu ý trong đề xuất của Đồng Nai là việc đề nghị tách nội dung bồi thường, hỗ trợ và TĐC thành tiểu dự án riêng và tổ chức thực hiện độc lập ngay trong năm 2016. UBND tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, TĐC dự án CHK quốc tế Long Thành và các dự án xây dựng khu TĐC, nghĩa trang. Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức bồi thường, GPMB, bảo đảm kinh phí cho việc bồi thường, TĐC theo quy định.
Về việc thu hồi 5.000ha đất của dự án, Đồng Nai cũng kiến nghị Chính phủ ngay sau khi chấp thuận cho tách nội dung bồi thường, hỗ trợ và TĐC thành tiểu dự án riêng, cho phép Đồng Nai được thu hồi đất một lần cho toàn bộ dự án và không phụ thuộc vào tiến độ sử dụng đất để thực hiện. Công tác thu hồi đất bồi thường, hỗ trợ và TĐC dự án được tiến hành song song với công tác xây dựng hạ tầng 2 khu TĐC.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, TĐC cho dự án CHK quốc tế Long Thành là hơn 18.500 tỷ đồng. Trong số này, chi phí bồi thường để thực hiện 2 khu TĐC là 360 tỷ đồng. Chi phí xây dựng 2 khu TĐC khoảng 5.000 tỷ đồng. Chi phí bồi thường GPMB (5.000ha) là hơn 13.100 tỷ đồng.
Trước mắt, để có thể có nguồn vốn thực hiện việc đầu tư xây dựng 2 khu TĐC để di dời các hộ dân (trong đó có, hạng mục bồi thường để thực hiện 2 khu TĐC, chi phí xây dựng 2 khu này) với tổng kinh phí hơn 5.400 tỷ đồng, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng ứng vốn để thực hiện.
Trường hợp chưa bố trí được vốn, hoặc bố trí chưa đủ vốn, để đảm bảo tiến độ của dự án, Đồng Nai đề nghị Thủ tướng cho phép vay vốn từ thương mại để thực hiện. Vốn vay và lãi vay được đưa vào tổng mức đầu tư của dự án.
Khung chính sách và cơ chế đặc thù là cần thiết
Về những đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên & Môi trường) khẳng định, việc đề xuất khung chính sách và cơ chế đặc thù cho dự án CHK quốc tế Long Thành là cần thiết bởi đây là dự án lớn với diện tích thu hồi đất lớn, số hộ phải di dời cực kỳ lớn. Ủng hộ quan điểm thu hồi một lần cho toàn bộ dự án, bà Ngọc Anh cũng cho biết thêm: Cứ chờ đợi đến đâu, GPMB đến đấy không đáp ứng yêu cầu của dự án.
Đồng quan điểm, đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng cho rằng, muốn đẩy nhanh tiến độ phải có cơ chế đặc thù. “Phải có cơ chế, chính sách đền bù tốt nhất để người dân đỡ khiếu kiện. Như thế mới có thể GPMB nhanh được”, vị này nói.
Cơ bản ủng hộ những cơ chế mà Đồng Nai đề xuất, đại diện Bộ Tài chính chỉ lưu ý đề nghị vay vốn thương mại là không nên. “Nếu vay vốn thương mại để thực hiện các phần việc liên quan đến GPMB chắc chắn sẽ dẫn đến việc dự án đội vốn. Cần phương án tối ưu hơn để đảm bảo tính khả thi của dự án”, vị này nhấn mạnh.
Trao đổi với Báo Giao thông về những đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án CHK quốc tế Long Thành là rất cần thiết trong bối cảnh CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đã và đang đối mặt với tình trạng quá tải trầm trọng.
“Dự án lớn, quan trọng, cấp thiết cần cơ chế đặc thù mới có thể đẩy nhanh tiến độ”, Thứ trưởng Nhật nói và nhấn mạnh thêm: Việc đề xuất cơ chế này phải được nghiên cứu kỹ càng để đảm bảo quyền lợi của người có đất bị thu hồi nhanh chóng ổn định cuộc sống, đồng thời đảm bảo tiến độ của dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận