Tại báo cáo đầu kỳ quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM, liên danh tư vấn Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (TEDI South) và Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển GTVT (CCTDI) đề xuất ga Sài Gòn hiện hữu (ga Hòa Hưng trước kia) là ga trung tâm hành khách của thành phố.
Khi đó tổ chức chạy tàu khách xuyên tâm theo hướng ga Bình Triệu - ga Sài Gòn - ga Tân Kiên theo kiểu “con lắc” qua ga trung tâm Sài Gòn.
Ga Sài Gòn là ga trung tâm đón/tiễn hành khách của các loại tàu khách Bắc - Nam (khi tuyến đường sắt tốc độ cao nối vào trong khu vực đầu mối thông qua tuyến đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng hoặc tuyến đướng sắt Biên Hòa - Vũng Tàu), tàu khách liên vận, tàu khách đường dài hoặc tàu khách vùng, tàu khách nội - ngoại ô đi các đô thị vệ tinh. Tại ga kết nối và trung chuyển với tuyến đường sắt đô thị số 2.
Cũng theo đề xuất của tư vấn, ga Sài Gòn là đầu mối giao thông, trung chuyển, thu gom và phân tán khách đến/đi từ đường sắt sang các phương tiện giao thông công cộng khác. Khu vực xung quanh quảng trường ga định hướng quy hoạch, bố trí bãi/bến đỗ bến xe buýt, taxi, bãi đỗ phương tiện cá nhân nhằm tạo sự thuận tiện cho hành khách, cho người dân thuận lợi trong quá trình đi lại.
Bản đồ tổ chức chạy tàu con lắc qua ga trung tâm Sài Gòn tại TP.HCM.
Cùng với ga khách trung tâm, tư vấn đề xuất các ga đầu mối hành khách khu vực TP.HCM. Theo đó, ga Bình Triệu là ga đầu mối hành khách phía Bắc thành phố; ga Tân Kiên là ga đầu mối hành khách phía nam thành phố. Hai ga này có cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng đầu máy, toa xe nằm ở hai đầu bên ngoài khu trung tâm và tổ chức chạy tàu kiểu “con lắc” qua ga hành khách trung tâm là ga Sài Gòn.
Ga Thủ Thiêm không tổ chức cho hành khách đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, chỉ là ga đầu/cuối của tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và đường sắt đô thị; là đầu mối trung chuyển khách từ đường sắt sang các phương tiện giao thông công cộng khác.
Về tổ chức vận tải hành khách, tư vấn đề xuất các tàu khách phục vụ trực tiếp cho người dân thành phố sẽ được quy hoạch đi ngầm hoặc đi cao vào sâu trong khu trung tâm thành phố để thuận tiện cho việc tiếp cận của người dân. Để phát triển vùng đô thị TP.HCM theo mô hình đô thị hạt nhân - đô thị vệ tinh sẽ quy hoạch tổ chức tàu khách nội - ngoại ô chạy xuyên tâm để vận chuyển hành khách theo mô hình “con lắc” giữa đô thị hạt nhân và đô thị vệ tinh.
Lý giải cho các đề xuất này, tư vấn cho rằng, với phương án bố trí ga trung tâm, đầu mối và tổ chức vận tải khách như vậy sẽ giải quyết ách tắc giao thông tại các cửa ngõ ra vào thành phố cũng như trong nội đô.
Kinh nghiệm của thành phố Berlin (CHLB Đức) cho thấy việc thiết kế các tuyến đường sắt chạy xuyên tâm và tuyến đường sắt vành khuyên là giải pháp rất hiệu quả để giải quyết vấn đề giao thông đô thị. Nhờ có các tuyến đường sắt này mà tại Berlin, hành khách có thể đi thẳng từ trung tâm ra vùng ngoại ô mà không phải chuyển tàu và như vậy sẽ không có hiện tượng tích tụ, dồn ứ một lượng khách lớn tại các ga trung chuyển giữa metro và đường sắt quốc gia như một số thành phố ở các nước châu Âu.
Ga trung tâm Berlin (Berlin Hauptbahnhof - Berlin hbf) là nơi giao nhau của các tuyến đường sắt xuyên tâm theo các hướng: Hướng bắc - nam là các tuyến đường sắt cao tốc và đường sắt khu vực (Region railway); hướng đông - tây là các tuyến đường sắt khu vực và các tuyến đường sắt đô thị mở rộng (S-Bahn) và tuyến đô thị (U-Bahn).
Tương tự, ga đường sắt tốc độ cao trung tâm thủ đô Madrid (ga Atocha) của Tây Ban Nha là điển hình cho ga trung tâm ngay trong trung tâm thành phố. Ga Atocha là ga cụt, nhưng có các tuyến đường vòng để tổ chức các đoàn tàu đi các hướng tây bắc, đông bắc, đông và nam, gần khu vực ga có khu vực depot để phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa các đoàn tàu (Ateinsa). Nhà ga cũng là tổ hợp của giao thông công cộng, kết hợp với các khu vực thương mại, dịch vụ, bãi đậu xe, là điểm nhấn của thủ đô Madrid.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận