Ngày 1/6, TAND cấp cao tại TP HCM đã chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND TP Vũng Tàu, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Khắc Thủy 3 năm tù về tội dâm ô với trẻ em Ảnh: N.A |
Đó là đề xuất được một nữ luật sư đưa ra tại Hội nghị toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em, nhằm đưa ra các giải pháp bảo vệ trẻ em trước các hành vi bạo lực, xâm hại và các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trẻ em.
Mỗi năm có 2.000 nạn nhân
Theo báo cáo của Bộ Công an, hàng năm trên toàn quốc xảy ra 1.500 vụ xâm hại trẻ em, với gần 2.000 đối tượng, xâm hại gần 2.000 nạn nhân. Riêng năm 2017 đã phát hiện 1.592 vụ, gồm 1.757 đối tượng gây án, xâm hại 1.642 em, trong đó xâm hại tình dục trẻ em là 1.370 vụ. Các hành vi bạo lực, bạo hành, xâm hại trẻ em chủ yếu ở các tội danh như giết trẻ em, cố ý gây thương tích cho trẻ em, hành hạ, ngược đãi và xâm hại tình dục trẻ em, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận.
"Cần nghiên cứu, triển khai mô hình tổ chức, hoạt động của các nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã do Chủ tịch UBND cấp xã đứng đầu với thành phần gồm người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, công an xã, Đoàn Thanh niên xã, Hội Phụ nữ xã, nhân viên y tế thôn bản. Các mô hình này rất cần thiết. Chứ chúng ta lo họp chuyện này, chuyện khác suốt, còn trẻ em thì không nhắc tới, coi là chuyện con nít thì làm sao chuyển biến được”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Đại tá Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45) Bộ Công an cho biết thêm, 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng công an đã xác minh, điều tra xử lý hình sự 538 vụ và 579 đối tượng bạo lực, xâm hại trẻ em. Đáng chú ý, các đối tượng thực hiện hành vi này lại phần lớn là người có trách nhiệm nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục trẻ, người quen biết, hàng xóm… của các nạn nhân.
Trong khi đó, đại diện Bộ LĐ, TB&XH cho rằng, trên thực tế, số lượng trẻ em bị bạo lực, xâm hại còn nhiều hơn do trẻ em và gia đình nạn nhân không cung cấp thông tin, tố giác vì e ngại, hoặc do bị thủ phạm đe dọa hoặc dùng tiền để hòa giải.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, nếu so với số vụ trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện thì tình trạng bạo hành trẻ em ở nước ta ít hơn nhiều so với các nước trên thế giới. Nhưng, con số thống kê chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. “Trên thực tế, nhiều trường hợp trẻ em bị bạo hành không được phát hiện hoặc có phát hiện song những người chứng kiến coi đó là hành vi “bình thường”. Đau lòng hơn, nhiều trẻ em bị chính người thân xâm hại, bạo hành, để lại những di chứng nặng nề cho bản thân trẻ em, gia đình và xã hội”, Phó Thủ tướng nêu thực tế.
Cần có các nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em
Hiến kế những giải pháp cụ thể, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng, với những tội phạm cưỡng dâm, giao cấu với trẻ em có nhiều tình tiết tăng nặng, đặc biệt với tội hiếp dâm trẻ em, cần có thêm những hình phạt bổ sung. Dẫn Điều 147, Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định khi nhận được tin tố giác, tin báo từ tội phạm thì cơ quan điều tra xác minh, giải quyết. Thời hạn giải quyết tố giác tin báo về tội phạm là 20 ngày, tối đa 4 tháng, bà Nữ cho rằng, thời gian này là quá lâu, việc điều tra khó thu thập chứng cứ.
Bà Nữ cũng kiến nghị thêm cần tăng nặng hình phạt với các tội danh xâm hại tình dục trẻ em. Đặc biệt, với tội danh cưỡng dâm, giao cấu với trẻ em có nhiều tình tiết tăng nặng, đặc biệt là hiếp dâm trẻ em cần bổ sung thêm hình phạt thiến hóa học. Cho biết nhiều quốc gia đã gắn chíp quản lý các đối tượng này sau khi mãn hạn tù, luật sư cho rằng, chúng ta cũng cần áp dụng một số biện pháp quản lý tội phạm 24/24h, như gắn chíp điện tử, vòng đeo để người dân nhận diện khi tiếp xúc. Có như vậy mới đủ sức răn đe, phòng ngừa.
Khẳng định thời gian qua chúng ta đạt được một số kết quả trong công tác bảo vệ trẻ em, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn cho rằng, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đặc biệt, là tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Bên cạnh đó, mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, gần 2.000 trẻ em tử vong do TNGT. Công tác bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời. Còn nhiều vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có vụ việc xử lý chưa nghiêm.
Nhắc đến vụ việc chị Y Nhiêu, dân tộc Giẻ Triêng (trú quán tỉnh Kon Tum) đi làm thuê cho một chủ nhà ở phường Thống Nhất, TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên bị chủ nhà bạo hành gây thương tật, Thủ tướng yêu cầu những vụ việc như thế này phải khởi tố ngay: “Đánh đập, hành hạ người ta như thế đáng phải lên án, phải xử lý nghiêm, đặc biệt với trẻ em”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, giá trị truyền thống bị thay đổi, mai một; cha, mẹ, thành viên gia đình chưa dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ con em mình. Hình ảnh đoàn tụ trong mỗi bữa cơm gia đình còn ít. Những thông tin thiếu sàng lọc trên internet, mạng xã hội và những điều phức tạp khác tác động rất lớn đến nhân cách, tâm hồn trẻ em.
Thủ tướng nêu rõ, sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống tốt, lành mạnh cho các em là một nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển đất nước bền vững, lâu dài. Đề cập đến giải pháp, Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, đặc biệt ở cấp địa phương, cơ sở phải nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và quan tâm đúng mức hơn về công tác bảo vệ trẻ em.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận