Xem - ăn - chơi

Di tích quốc gia 400 năm tuổi ở Phú Thọ sắp thành phế tích

09/08/2018, 07:47

Ngôi đình làng rất có giá trị về văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật có thể sẽ sụp đổ bất cứ...

24

Các kết cấu gỗ cũng bị mối mọt

Được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1990, thế nhưng đình làng Do Nghĩa (xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) lại đang bị lãng quên khi các hạng mục xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Nguy cơ trở thành phế tích

PV Báo Giao thông đã có chuyến khảo sát thực tế tại đình làng Do Nghĩa. Theo quan sát ban đầu, tại vị trí một số đầu cột sát mái, nước thấm sâu vào trong thớ gỗ, gây mục, mủn các mộng, hệ thống cột kèo bị mối mọt lại phải dầm mưa dãi nắng khiến cho kết cấu của ngôi đình trở nên vô cùng yếu ớt, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Ngoài ra, hệ thống xà, rường của đình cũng bị mục ruỗng rất nặng nề, vì vậy khi gặp nước, các kết cấu gỗ càng nhanh mủn…Mặc dù lúc PV có mặt tại đình trời đang nắng nhưng nước đọng trên mái đình vẫn tí tách rơi xuống nền. Theo quan sát, ngôi đình cổ đã rơi vào tình trạng xuống cấp nặng nề.

Đình Do Nghĩa nằm trên một gò đất cao của làng Do Nghĩa. Đình thờ Đại Hải Long Vương cùng thời với Tản Viên Sơn Thánh phụng sự triều đại Hùng Vương. Đình có tổng diện tích 4.636m2, kiến trúc theo kiểu chữ Đinh. Cổng đình gồm một cửa chính, hai cửa phụ. Cổng chính hình vòm, được trang trí bằng những con giống với các đường diềm, đường nét hoa văn nghệ thuật. Trong đình có nhiều hiện vật rất có giá trị. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, một hình ảnh mẫu mực của phong cách kiến trúc cổ truyền dân tộc. Đình Do Nghĩa được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 1539-VH/QĐ ngày 27/12/1990 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch).

Không giấu được sự lo lắng, xót xa cho công trình gần 400 năm tuổi, ông Nguyễn Văn Tình, thủ từ đình làng Do Nghĩa cho hay, năm 1974 đã xảy ra sự cố cháy đình do sự thiếu ý thức của một số hộ dân để rơm ở đây, một số cấu kiện gỗ có giá trị và toàn bộ phần hậu cung bị hủy hoại hoàn toàn. Người dân địa phương đã phải thay thế bằng một số chi tiết mới, riêng phần hậu cung được xây lại bằng gạch và xi măng.

Hôm 18/7 vừa qua, kẻ gian đã đột nhập vào ngôi đình và lấy cắp đi một số đồ vật có giá trị là 8 bát biểu, 1 mâm ấu và dỡ đi mai kiệu bát cống. Trước đó, dù đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo Ban Quản lý và chính quyền xã về nguy cơ mất mát các đồ vật có giá trị của đình nhưng lời nói của ông Tình không được lắng nghe. Sau khi xảy ra sự việc, Công an huyện Lâm Thao đã vào cuộc để điều tra nhưng vẫn chưa có thông tin gì.

Làm việc với ông Nguyễn Văn Huấn, Trưởng ban Quản lý di tích làng Do Nghĩa, được biết từ khi được công nhận Di tích lịch sử văn hóa quốc gia (1990), đình làng Do Nghĩa mới được trùng tu lớn duy nhất 1 lần vào năm 2006 với tổng kinh phí khoảng 900 triệu đồng. Lần trùng tu này tập trung vào phần mái và thay thế 6 cột quân của ngôi đình. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Huấn và thủ từ Nguyễn Văn Tình, việc trùng tu này không hiệu quả. Phần ngói mới được thay thế liên tục bị tụt do không đảm bảo về độ giáp (ngày xưa được làm thủ công nên khi xếp vào nhau ngói có độ giữ rất chắc chắn), chỉ cần một trận mưa nhỏ và có gió là bị xô lệch gây dột. Bên cạnh đó, 6 cột quân mới được thay thế cũng không phù hợp với các cột còn lại, đồng thời là nguyên nhân thu hút mối đến làm hỏng các cấu kiện gỗ khác của đình.

Nhà nghiên cứu đình cổ Nguyễn Đức Bình xót xa: “Có lẽ chỉ trong mùa mưa năm nay, ngôi đình làng rất có giá trị về văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật này có thể sẽ sụp đổ bất cứ khi nào. Bài học vừa diễn ra quá đau xót ở đình Lương Xá (Ứng Hòa, Hà Nội) vẫn còn đó. Đình Do Nghĩa nếu không được “cứu” kịp thời thì cũng sẽ có nguy cơ đi vào dĩ vãng mà thôi”.

Địa phương chờ kinh phí

Khi được hỏi vì sao di tích xuống cấp từ nhiều năm nay mà không được trùng tu, ông Nguyễn Văn Huấn cho biết, hàng năm, Ban Quản lý đều có báo cáo đánh giá thực trạng đình làng Do Nghĩa gửi xã, huyện và Sở VH, TT&DL Phú Thọ. Trong các báo cáo đều đề xuất xin hỗ trợ và hướng dẫn tu sửa. Tuy nhiên, vẫn không thấy Sở trả lời, mãi hôm vừa rồi, Sở VH, TT&DL mới có đoàn về kiểm tra và hướng dẫn Ban quản lý làm báo cáo xin tu sửa cấp thiết.

Tỏ ra băn khoăn khi đề cập đến kinh phí tu sửa di tích, ông Bùi Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Sơn Vi cho biết, di tích được xây dựng từ rất lâu, trải qua thời gian cùng với tác động của thiên nhiên đã làm xuống cấp. Thế nhưng, nguồn kinh phí để tu sửa hiện nay không có. Nhiều năm, xã đã xin cấp trên nhưng chưa được cấp vì đây là Di tích cấp quốc gia, Bộ VH, TT&DL là nơi duyệt. “Bây giờ nếu trùng tu thì phải mất tiền tỷ, nếu huy động sức dân thì cũng chỉ được một phần. Nếu đề xuất ngân sách Nhà nước thì riêng thủ tục hành chính để trình được huyện, Sở rồi Bộ cũng là một khó khăn. Ngân sách cho được bao nhiêu thì đấy là cái tốt, còn địa phương sẽ thực hiện xã hội hóa, trước mắt là sửa lại mái đình, một số cột và đầu nối của xà đã bị mục và mối mọt”, ông Lâm nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.