Phố Hàng Mã (Hà Nội) luôn rực rỡ trong dịp Tết trung thu (Ảnh: Internet) |
Phố cổ
Vào dịp trung thu, khu vực phố cổ đặc biệt là khu vực Hàng Mã, Hàng Đào, chợ Đồng Xuân rực rỡ sắc màu của các loại đèn lồng, các đồ chơi trung thu. Đến khu vực này, chắc chắn bạn sẽ mua được những món quà trung thu nhỏ nhưng vô cùng đẹp mắt hoặc sẽ chụp được những bức hình trung thu tuyệt đẹp.
Đưa trẻ dạo chơi vào buổi tối ở khu vực phố cổ trong dịp Tết Trung thu sẽ khiến trẻ vô cùng thích thú trong ánh sáng lung linh của các loại đồ chơi đủ sắc màu và hòa vào dòng người nhộn nhịp trong các khu phố sầm uất của thủ đô.
Ngoài ra, từ 19h30 đến 20h30 hai ngày Thứ Bảy (10/9) và Chủ nhật (11/9), chương trình Rước đèn ông sao vòng quanh hồ Hoàn Kiếm sẽ được tổ chức. Đơn vị đứng ra tổ chức sự kiện đã chuẩn bị một chiếc đèn ông sao lớn và nhiều đèn ông sao nhỏ cho sự kiện này. Chương trình khuyến khích các em nhỏ mang theo những chiếc đèn tự chế để vui trung thu.
>>> Xem thêm video:
Bảo tàng dân tộc học
Từ 9h – 17h30 ngày 10 & 11/9/2016, tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam (đường Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, Hà Nội) sẽ diễn ra chương trình trải nghiệm làm đồ chơi Trung Thu truyền thống như đèn ông sao, ông tiến sĩ giấy, trống bỏi, con giống chuyển động,…
Các bé đến với Bảo tàng dân tộc học còn có thể tham gia kể chuyện, ghép tranh Trung Thu; chuẩn bị những “nguyên liệu” cho mâm cỗ trông trăng như: bánh dẻo, cốm, cắt tỉa hoa quả; trình diễn múa lân sư; học đan lát, tết lá dừa. Vé vào cửa 40.000 đồng/ người.
Bảo tàng Hà Nội
Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học tổ chức nhiều hoạt động vui chơi cho trẻ |
Nhân dịp trung thu, Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng, Nam Từ Liêm,Hà Nội) cũng tổ chức các chương trình thú vị dành cho thiếu nhi.
Từ 14h- 17h ngày 10/9/2016, 9h-21h30 ngày 11/9/2016, các bé đến với bảo tàng Hà Nội có thể tham gia các hoạt động làm mặt nạ, vẽ mặt nạ, làm đèn kéo quân, đèn ông sao, tiến sĩ giấy, đèn tôm, đèn cá, nặn tò he, làm đầu sư tử, vẽ tranh dân gian, vẽ tranh sáng tạo.... và chơi các trò chơi dân gian trong khuôn viên bảo tàng, phá cỗ trông trăng trong khuôn viên bảo tàng
Được biết, một số hoạt động được miễn phí, một số khác có chi phí từ 20.000 – 100.000.
Hoàng thành Thăng Long
Từ ngày 9/9 -11/9/2016, khi đến Khu di tích hoàng thành Thăng Long (đường Hoàng Diệu, Hà Nội), các bé có thể em các nghệ nhân trình diễn múa rối, múa sư tử; Tham gia các trò chơi dân gian như ô ăn quan, đi cầu tre gánh lúa, pháo đất; Xem nghệ nhân trình diễn và hướng dẫn làm bánh trung thu và đồ chơi trung thu truyền thống như bồi và vẽ mặt nạ, đèn ông sao, đèn kéo quân…
Đặc biệt, các chương trình ở đây hoàn toàn miễn phí.
Công viên nước Hồ Tây
Công viên nước Hồ Tây dịp trung thu được trang trí vô cùng đẹp mắt, lung linh huyền ảo. Những dải đèn lồng được treo khắp nơi. Những mâm ngũ quả lớn với các loại bánh trái thơm ngon được sắp xếp rất đẹp mắt.
Trẻ em đến đây vào dịp trung thu không chỉ được chơi các trò chơi thú vị của công viên nước mà còn được tham gia vào những trò chơi dân gian và được nhận nhiều phần quà hấp dẫn.
Times City
Đèn lồng Thỏ Vọng Nguyệt (Thỏ Trông Trăng) lớn nhất Việt Nam tại Times City |
Times City vốn là địa điểm vui chơi lý tưởng, đặc biệt vào ngày Trung thu thì nơi đây còn tuyệt đẹp hơn khi có sự xuất hiện của Đèn lồng Thỏ Vọng Nguyệt (Thỏ Trông Trăng) lớn nhất Việt Nam.
Đèn lồng Thỏ Vọng Nguyệt khổng lồ có chiều cao hơn 15m. Tôn lên vẻ ấn tượng của đèn thỏ Vincom là 6.800 chiếc đèn lồng nhỏ đỏ thắm kết xung quanh và một chiếc đèn ông sao đầy màu sắc với đường kính lên tới 4m.
Đèn lồng Thỏ sẽ được trưng bày tại khu vực quảng trường Times City từ nay đến hết Rằm Trung Thu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận