Kinh tế

Điểm mặt bộ, ngành ban hành văn bản tốt, tồi nhất

01/03/2017, 10:38

Hôm qua (28/2), VCCI công bố kết quả bình chọn quy định pháp luật ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp năm 2016.

4

Quy định nâng tốc độ lưu thông tăng 10km/h tại Thông tư 91 của Bộ GTVT được đánh giá cao

Hôm qua (28/2), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố kết quả bình chọn quy định pháp luật ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp năm 2016. Từ danh sách 30 văn bản có ảnh hưởng hỗ trợ và cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhiều bộ, ngành đã và đang có kế hoạch sửa đổi.

Hai văn bản của Bộ GTVT được đánh giá cao

Theo Báo cáo tổng hợp cuộc bình chọn quy định pháp luật năm 2016 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hôm qua (28/2), top 30 quy định tốt mang tính tích cực được cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia đánh giá cao, như: Bãi bỏ Tội kinh doanh trái phép; Danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế; Bãi bỏ quy định về mức trần 15% cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hỗ trợ… hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp…

Đáng chú ý, Bộ GTVT có 2 quy định pháp lý nằm trong top 30 quy định tích cực. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho hay, quy định “Tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới” trong Thông tư 91/2015/TT-BGTVT đã chỉ ra sự cần thiết của việc nâng tốc độ lưu thông của phương tiện giúp tiết kiệm thời gian và chi phí vận tải; đồng thời giảm nguy cơ nhũng nhiễu do cảnh sát giao thông xử phạt các trường hợp chạy quá tốc độ. Theo VCCI, thời gian qua, chất lượng hạ tầng giao thông đường bộ đã được nâng cấp vượt bậc, việc cho phép xe chạy với tốc độ cao hơn đã giúp các doanh nghiệp giảm các chi phí về thời gian, nhiên liệu, khấu hao phương tiện, hạ tầng GTVT.

Quy định “Chuyển chức năng đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn về vận tải cho Hiệp hội doanh nghiệp” tại Thông tư 60/2015/TT-BGTVT, VCCI cho rằng, việc xã hội hóa các dịch vụ công là điều cần thiết, giúp giảm chi phí tuân thủ cho các doanh nghiệp là hội viên; đồng thời thúc đẩy cạnh tranh, giúp nâng cao chất lượng và giảm chi phí của công tác này. “Đây là quy định tốt nhưng không phải bộ, ngành nào cũng tư duy được như vậy”, ông Tuấn đánh giá và đề xuất một số bộ, ngành nên có sự chuyển giao công tác đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn cho các hội nghề nghiệp.

5
Quy định nâng tốc độ lưu thông tăng 10km/h tại Thông tư 91 của Bộ GTVT được đánh giá cao tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực vận tải (Trong ảnh: Đường Võ Văn Kiệt, TP.HCM) - Ảnh: Linh Hoàng

18/30 quy định đã, đang được sửa đổi

Đại diện Hiệp hội In Việt Nam tỏ ra bức xúc về quy định tại Điểm C, Khoản 3, Điều 24 Nghị định 60/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19/6/2014 có nội dung: Cơ sở in “không được hợp tác với các cơ sở in khác để thực hiện chế bản, in, gia công sau in đối với sản phẩm in do mình đã nhận hợp tác”. Ông này cho rằng: “Nếu chấm giải nhất cho quy định pháp luật tồi nhất thì phải kể đến quy định này” rồi phân tích thêm, ngành in chịu tác động nặng nề và đã có kiến nghị sửa đổi Nghị định 60 này, thậm chí Nghị quyết 19 ngày 6/2/2017 của Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Thông tin và truyền thông phải sửa đổi.

Về vấn đề này, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã thành lập Tổ công tác rà soát, đơn giản hóa nhóm thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động in. Tháng 12/2015, Bộ này đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất đơn giản hóa một số thủ tục và đã được phê duyệt.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, trong quá trình thực hiện cuộc bình chọn, VCCI cũng đã gửi ý kiến tới các bộ, ngành và nhiều đơn vị đã cử đoàn đi lấy thông tin, trao đổi, phản hồi. Tháng 12/2016, đã có 5/30 quy định thuộc nhóm danh sách kém được điều chỉnh, như là quy định về tiêu chuẩn nước thải chăn nuôi, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cam kết sửa đổi ngay khiến các hộ chăn nuôi rất hài lòng. Hay như quy định về địa điểm bán thuốc bảo vệ thực vật; quy định mạ băng và hàm ẩm cá tra xuất khẩu; quy định đặt tên doanh nghiệp trùng với tên doanh nhân tới nay cũng được Chính phủ tạm dừng hiệu lực. “Quy định về bình chữa cháy trong ô tô thì Bộ Công an cho biết là chưa thực hiện, cũng chưa xử phạt ai”, ông Tuấn thông tin.

Cùng đó, 13 văn bản qui phạm pháp luật đang được nghiên cứu điều chỉnh, trong đó đều được dự báo sửa đổi theo hướng thuận lợi cho doanh nghiệp hơn như quy định về thời gian làm thêm giờ; kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp; điều kiện nhập khẩu ô tô; thiết bị bảo hộ trong hợp đồng lao động… “Làm thế nào để các quy định còn lại có “động tĩnh” như các văn bản pháp lý trên nhằm cải thiện hơn môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp”, ông Tuấn trăn trở.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận xét: “Điều quan trọng nhất của cuộc bình chọn là từ kết quả đó, rút ra kinh nghiệm trong xây dựng văn bản pháp luật với tất cả cơ quan từ khi soạn thảo, đặt bút ký văn bản. Cùng đó, thông qua các văn bản, từ Quốc hội, Chính phủ phải thấy rõ trách nhiệm của mình, thấy rằng chất lượng công việc của mình được đặt dưới sự giám sát của người dân và doanh nghiệp để có quy định hợp lý, thể chế hoàn thiện thúc đẩy môi trường kinh doanh”.

Một số quy định bị đánh giá là tồi

- Yêu cầu trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy trên xe ô tô (Điều 4.1 Thông tư 57/2015/TT-BCA)

- Quy định hạn chế đối với hoạt động hợp tác của các cơ sở in (Điểm c, Khoản 3, Điều 24, Nghị định 60/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19/06/2014).

- Khi cột đo xăng bị hư hỏng, chỉ được thuê cơ sở khác sửa chữa nếu được cơ sở sản xuất, nhập khẩu, cung cấp phương tiện đo đồng ý (Khoản 6, Điều 6, Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 25/8/2015)

- Muốn chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài cũng phải xin phép (Điều 25, Nghị định 83/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/9/2015)

- Thay đổi trụ sở phải thay đổi tên gọi của Văn phòng (Khoản 2, Điều 79, Luật Công chứng năm 2014)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.