VPBank với lợi nhuận sau thuế 9 tháng hợp nhất đạt 4.500 tỷ đồng - Ảnh: Tạ Tôn |
Mặc dù nền kinh tế vẫn còn không ít khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp đã có bứt phá mạnh về lợi nhuận. Tuy nhiên, có thể thấy doanh nghiệp hoạt động sản xuất có phần lép vế so với nhóm kinh doanh dịch vụ trong “câu lạc bộ nghìn tỷ đồng” về lợi nhuận.
Ngân hàng, hàng không, bất động sản chiếm số đông
Những cái tên đầu tiên phải kể đến là nhóm “đại gia” ngân hàng gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, VPBank. Trong đó, đứng đầu là Vietcombank với lợi nhuận sau thuế 9 tháng hợp nhất đạt 6.379 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp theo đó là VietinBank với lợi nhuận 5.872 tỷ đồng; VPBank 4.500 tỷ đồng, BIDV 4.309 tỷ đồng. Ngoài ra, một số ngân hàng khác như: LienVietPostBank hay Sacombank cũng đạt lợi nhuận ròng lại suýt soát 1.000 tỷ đồng...
Tập đoàn Hòa Phát cũng có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng 21%, đạt 5.600 tỷ đồng. Đây được xem là kết quả kinh doanh kỷ lục trong bối cảnh thị trường giá cả nguyên vật liệu biến động liên tục. 9 tháng đầu năm, Hòa Phát đã ra lò gần 1,6 triệu tấn thép, tăng 31% so với cùng kỳ và dẫn đầu thị phần cả nước (24%). Ngoài ra, Hòa Phát còn xuất khẩu khoảng 126.000 tấn thép và 35.000 tấn phôi thép. Do đó, tập đoàn này khá tự tin sẽ vượt chỉ tiêu 40.000 tỷ đồng doanh thu và 6.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của năm nay, dù đóng góp của mảng kinh doanh bất động sản mờ nhạt khi dự án Mandarin Garden 2 phải cuối năm nay mới bắt đầu bàn giao; dự án Khu đô thị Bắc Phố Nối và KCN Phố Nối A (Hưng Yên) cũng phải cuối năm nay mới dự kiến chạy thử dây chuyền; dự án tại 70 Nguyễn Đức Cảnh, Hà Nội mới triển khai...
“Đại gia” Vingroup (VIC) quý III năm nay cũng tăng trưởng mạnh về doanh thu, đẩy lợi nhuận riêng quý III hơn 900 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 2.763 tỷ đồng. Đóng góp chính vào kết quả kinh doanh của VIC vẫn là mảng bất động sản với doanh thu 14.388 tỷ đồng, chiếm 65% tỷ trọng doanh thu.
Là tên tuổi mới trên sàn chứng khoán, song hãng hàng không Vietjet Air cũng đã góp mặt vào “câu lạc bộ nghìn tỷ” với mức lợi nhuận sau thuế 2.756 tỷ đồng. Trong đó, riêng quý III, lợi nhuận ròng của Vietjet Air 965,8 tỷ đồng nhờ mở rộng các đường bay mới và tăng cường khai thác các đường bay hiện có. Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines -HVN) cũng đạt 2.256 tỷ đồng lợi nhuận sau 9 tháng, trong đó riêng quý III đóng góp 1.433 tỷ đồng lợi nhuận. Vietnam Airlines cho biết, mặc dù số chuyến bay chỉ tăng nhẹ nhưng số khách vận chuyển trong quý III tăng 11%. Đáng chú ý, 9 tháng đầu năm 2017, chỉ số đúng giờ OTP đến của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đạt 82,4% và chỉ số đúng giờ OTP đi lên tới 90,5%.
Sản xuất chịu áp lực cạnh tranh
Trong danh sách “câu lạc bộ lãi nghìn tỷ”, phần đông là các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ, ngân hàng hay bất động sản. Một trong các doanh nghiệp sản xuất hiếm hoi có lợi nhuận cao ngất ngưởng là Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) với lãi ròng 9 tháng tới 8.545 tỷ đồng. Doanh thu của Vinamilk đến từ 3 mảng chính, trong đó doanh thu trong nước tăng khoảng 15% ở cả thị phần sữa nước, sữa bột và sữa chua uống. Đồng thời, doanh thu của các công ty con ở nước ngoài (gồm Driftwood tại Mỹ và Angkor Dairy tại Campuchia) cũng tăng hơn 7%. Chỉ có doanh thu xuất khẩu giảm nhẹ 5% do những lo ngại về tình hình chính trị tại Iraq, là thị trường xuất khẩu quan trọng của doanh nghiệp. So với mục tiêu doanh thu 51.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 9.735 tỷ đồng, sau 9 tháng Vinamilk đã thực hiện được 76% kế hoạch doanh thu và 88% về lợi nhuận.
Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (MCH) cũng là một “ngôi sao” hiếm hoi trong ngành sản xuất thực phẩm trên sàn có lợi nhuận nghìn tỷ là 1.267 tỷ đồng và dự kiến tăng lên 2.100 tỷ đồng vào cuối năm nay.
Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB) ghi nhận lãi cao 3.718 tỷ đồng sau 9 tháng nhưng đáng chú ý là lợi nhuận của “đại gia” này gần như không tăng, giá vốn bán hàng quý III tăng mạnh lên 5.930 tỷ đồng, chiếm gần hết doanh thu 8.055 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp sản xuất truyền thống khác như CTCP Nhựa Bình Minh lợi nhuận 9 tháng mới dừng ở 400 tỷ đồng, “đại gia” ngành dược CTCP Dược Hậu Giang gần 500 tỷ đồng, CTCP Tập đoàn Kido 488,8 tỷ đồng...
Theo khảo sát của Công ty Chứng khoán HSC, ngay từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn không thể tăng giá bán dù giá đầu vào tăng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất ở các lĩnh vực như nhựa, lốp, ắc quy và đèn chiếu sáng cũng gặp khó do hàng nhập khẩu Trung Quốc cạnh tranh gay gắt ở phân khúc giá thấp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận