Tài chính

Doanh nghiệp nhập khẩu đau đầu vì tỷ giá

20/04/2024, 06:23

Tỷ giá liên tiếp lập đỉnh khiến doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị và vay nợ bằng USD như ngồi trên lửa.

Tỷ giá lên, đơn giá của các sản phẩm tăng, chi phí vận chuyển quốc tế tăng, trong khi giá bán tại Việt Nam rất khó tăng.

Mới nhập hàng đã "bay" tiền tỷ

Giá USD ghi nhận ngày 16/4 tăng vượt 25.300 đồng/USD, xô đổ mọi kỷ lục từ trước đến nay. Với biên độ 5%, hiện các ngân hàng thương mại được phép giao dịch với tỷ giá trần là 25.348 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.934 đồng/USD. Nhiều ngân hàng đồng loạt đưa giá USD tăng hết biên độ và vượt xa mức giá bán tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.

Doanh nghiệp nhập khẩu đau đầu vì tỷ giá- Ảnh 1.

Nhóm ngành thép chịu áp lực lớn từ tỷ giá USD.

Diễn biến này khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu. Bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Công ty Năng lượng Hoàng An cho biết, đà tăng của tỷ giá xuất hiện từ đầu năm 2024, chậm lại trong giai đoạn Tết, nhưng tăng mạnh sau đó.

Là công ty nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài nên diễn biến trên ảnh hưởng trực tiếp đến kinh doanh của công ty. Cũng vì điều này, mối quan tâm đầu tiên mỗi sáng của bà là "tỷ giá hôm nay bao nhiêu". Thậm chí, bà mất ngủ vì lo lắng khi những hậu quả làn sóng này xảy đến với công ty trong bối cảnh đơn hàng đã rất khó khăn.

Dẫn chứng một số dự án trị giá khoảng 1 triệu USD, lúc chào thầu thiết bị tỷ giá chỉ có 23.500 đồng/USD, nhưng lúc trúng thầu và nhập thiết bị giá đã lên 25.100 đồng/USD. Điều đó có nghĩa, chưa bắt tay vào thực hiện đã lỗ ngay 1,6 tỷ đồng. Ước tính số lỗ tỷ giá đã lên hàng chục tỷ, dự kiến còn tăng cao khi đà tăng chưa dừng lại.

"Tỷ giá lên, đơn giá của các sản phẩm tăng, chi phí vận chuyển quốc tế tăng, trong khi giá bán Việt Nam không thể tăng", bà Loan nói và cho hay, chưa có cách giải quyết bởi phương án tăng giá bán không thể thực hiện do đặc thù gói thầu và việc này sẽ làm giảm tính cạnh tranh.

Tương tự, theo ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu tới 60% với các đơn hàng xuất đi châu Âu, tỷ lệ này là 40% với các đơn hàng xuất đi Mỹ, Hàn Quốc. Việc cân bằng chi phí giữa nhập khẩu - xuất khẩu khiến doanh nghiệp không những không có lời mà còn phải bù thêm 2% trên giá thành.

Mới đây, trong cuộc họp cổ đông, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long thông tin, ước tính quý I sẽ phải trích lập dự phòng tỷ giá khoảng 200 tỷ đồng.

Sẽ điều hành tỷ giá theo cơ chế linh hoạt

Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thừa nhận, áp lực tỷ giá chịu tác động từ 3 yếu tố chính. Một là, Cục dự trữ Liên bang Mỹ - Fed chưa đưa ra thời gian cụ thể để nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất, nên giá trị đồng USD tăng, có tác động làm giảm giá đồng tiền của hầu hết các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Hai là chính sách hạ lãi suất rất mạnh của Việt Nam trong thời gian qua tạo ra bất cập về chênh lệch lãi suất giữa USD và VND trên thị trường liên ngân hàng (duy trì tình trạng lãi suất âm, tức lãi suất USD thấp hơn VND), khiến USD tăng. Ba là, nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu cao hơn.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhận định, mức tăng ở quý II có thể ở ngưỡng 0,5 - 1% so với cuối quý I. Theo vị này, chênh lệch lãi suất VND - USD có thể được cải thiện khi mặt bằng lãi suất VND dự kiến tăng trở lại trong quý II. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái bình ổn thị trường ngoại hối từ cuối quý I và có thể duy trì động thái này trong thời gian tới với nhiều công cụ.

Hơn nữa, sau khi tăng 2,2% ở quý I, tâm lý thị trường có thể tiếp tục thận trọng và hoạt động bảo hiểm rủi ro có thể được áp dụng.

Về giải pháp điều hành trong thời gian tới, ông Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tỷ giá theo cơ chế linh hoạt, đảm bảo tỷ giá có thể lên xuống phù hợp với xu thế chung, đảm bảo được các mục tiêu đã đề ra.

Cần công cụ phòng ngừa rủi ro

Trước thực tế trên, theo chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, để tránh những tác động liên quan đến tỷ giá biến động mạnh, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu cần làm tốt hơn công tác dự báo cũng như tham gia vào các công cụ về phòng ngừa rủi ro. Nếu doanh nghiệp chủ động hơn trong việc sử dụng các công cụ tài chính phát sinh, sàng lọc thị trường và đa dạng hóa đồng tiền thanh toán, sẽ có nhiều cơ hội giảm thiểu, thậm chí hưởng lợi từ chênh lệch giá các đồng tiền.

Cùng đó, các doanh nghiệp có thể lựa chọn những biện pháp quản trị rủi ro tỷ giá như lựa chọn những ngân hàng có chính sách tài trợ thương mại hấp dẫn, sử dụng các công cụ tài chính mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (swap)…

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu lưu ý, doanh nghiệp cần cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi vay vốn ngoại tệ, chỉ nên vay khi khả năng sinh lời vượt trội so với tổn thất. Ngoài ra, nên trích lập đầy đủ quỹ dự phòng biến động tỷ giá, đẩy mạnh thanh toán trước hạn các khoản vay ngoại tệ (đặc biệt với các doanh nghiệp có khoản vay lớn bằng đồng USD) để giảm bớt chi phí lãi vay và rủi ro biến động tỷ giá; sử dụng các công cụ phòng vệ tỷ giá như hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi ngoại tệ…

Trong khi đó, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho rằng, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu phải chú ý đến tỷ giá hối đoái để kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, lựa chọn thị trường xuất, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp mình, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD.

"Với các doanh nghiệp xuất khẩu, việc gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, tạo sự khác biệt cho sản phẩm luôn là điều cần hướng tới. Với các doanh nghiệp nhập khẩu, việc tối đa hóa nguồn lực nội địa, tìm kiếm các đối tác thay thế, đặc biệt từ trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nhập khẩu cũng sẽ giúp giảm bớt chi phí", bà Thủy góp ý.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), nhóm thép, nhóm ngành phân bón và tiện ích sẽ chịu áp lực từ tỷ giá. Chiều ngược lại, nhóm ngành thủy sản sẽ được hưởng lợi tích cực.

Bên cạnh đó, nhóm hóa chất với cũng được dự báo tích cực nhờ doanh thu xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, nhập khẩu nguyên liệu chiếm tỷ trọng nhỏ hơn. Cùng chiều, nhóm dầu khí và nhựa cũng được BSC đánh giá tích cực.

Nhóm dệt may được kỳ vọng hưởng lợi, do khi thị trường xuất khẩu và khách hàng chính của đại đa phần các doanh nghiệp may mặc là từ Mỹ. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều phải nhập nguyên vật liệu đầu vào từ nước ngoài theo chỉ định của khách hàng nên nhìn chung tác động từ tỷ giá tăng lên kết quả kinh doanh không nhiều.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.