Vốn ít, vay nhiều khiến lợi nhuận của công ty mẹ TKV trong suốt 9 tháng năm 2016 bị giảm - Ảnh: Tạ Tôn |
Từ ngày 1/5, các doanh nghiệp có giao dịch liên kết sẽ phải cân nhắc khi vay vốn, bởi chi phí lãi vay vượt 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh sẽ không được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Điều này sẽ hạn chế những doanh nghiệp, dự án kinh doanh chủ yếu dựa vào tín dụng.
Không riêng với DN có giao dịch liên kết, chính sách hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính nói chung đã từng được Bộ Tài chính tính đến. Theo đó, cơ quan này đề xuất, không phải toàn bộ chi phí lãi vay của DN đều được khấu trừ trước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp mà sẽ bị khống chế theo một tỷ lệ nhất định so với vốn chủ sở hữu. Cụ thể, đến hết năm 2018, tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu đối với lĩnh vực sản xuất là 5 lần, các lĩnh vực còn lại là 4 lần; Từ năm 2019, tỷ lệ này lần lượt còn 4 và 3 lần.
Việc khống chế chi phí lãi vay của Bộ Tài chính xuất phát từ thực tế, nhiều DN sử dụng đòn bẩy tài chính lớn để đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nhất là nhóm xây dựng, bất động sản, khai khoáng, công nghiệp nặng... Thống kê của Bộ Tài chính (tính đến cuối năm 2014) tại 57/85 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn Nhà nước cho thấy, dư nợ vay bình quân trên vốn chủ sở hữu của 2 DN có hệ số lớn hơn 5; 6 DN có hệ số 3 - 5 và 49 đơn vị có hệ số nhỏ hơn 3.
Thống kê trên thị trường chứng khoán cũng cho thấy, 11 DN có tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu trên 5 lần và gần 20 DN có tỷ lệ này ở mức từ 2,76 - 3,94 lần (tính đến hết năm 2015).
Với thực trạng 70% DN kinh doanh dựa vốn ngân hàng, nhiều ý kiến lo ngại, việc khống chế chi phí lãi vay để khấu trừ khi nộp thuế có “trói tay chân”, hạn chế kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh, giảm cơ hội cạnh tranh của DN. Mặt khác, quy định này có nhằm tăng thu cho ngân sách Nhà nước?
Tuy nhiên, qua công tác quản lý thu cho thấy, nhiều DN, nhất là khối đầu tư nước ngoài có dấu hiệu chuyển giá bằng việc kê khai chi phí lãi vay “khủng” từ công ty liên kết ở nước ngoài. Dẫn tới tình trạng DN liên tục mở rộng sản xuất kinh doanh, liên tục tăng doanh thu, song cũng liên tục lỗ. Đây cũng là lý do, quy định khống chế lãi vay được áp dụng trước hết cho các DN có giao dịch liên kết.
Bên cạnh đó, khống chế vay nợ ở tỷ lệ nhất định cũng cần thiết với mọi loại hình DN. Điều đó buộc DN phải “liệu cơm gắp... tín dụng”. Trên cơ sở đó, phải cân nhắc, lựa chọn dự án đầu tư hiệu quả, đảm bảo an toàn tài chính cho chính DN. Đồng thời, cũng góp phần giảm rủi ro nợ xấu cho hệ thống ngân hàng cũng như rủi ro cho nền kinh tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận