Hậu xả súng Orlando, với những phát ngôn gây sốc, con đường đua của ông Donald Trumpcó vẻ gập ghềnh hơn |
Vụ tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử tại TP Orlando (Mỹ) hồi đầu tuần tác động mạnh tới cuộc bầu cử Tổng thống, nhất là ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump, người có phản ứng “gây tranh cãi” sau vụ xả súng.
Hilary vẫn dẫn điểm
Vụ xả súng Orlando khiến 49 người thiệt mạng và hơn 50 người bị thương xảy ra ngày 12/6, ở thời điểm cuộc bỏ phiếu sơ bộ gần khép lại và các ứng viên đại diện chính Đảng đã lộ diện; Do đó, không ảnh hưởng nhiều tới vòng bỏ phiếu này. Nhưng xét về chặng đường dài bỏ phiếu tới tháng 11, vụ xả súng đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ sẽ tác động khá nhiều tới số lượng phiếu. Đầu tiên, các chuyên gia cho rằng, vụ xả súng tại Orlando đã phần nào mang lại lợi thế cho ứng cử viên Trump của đảng Cộng hòa - người luôn chủ trương “cấm cửa” người Hồi giáo.
Theo kết quả cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos thực hiện ngay sau vụ xả súng đẫm máu và công bố ngày 14/6, có 44,6% số người được hỏi ủng hộ cựu Ngoại trưởng Hilary trở thành Tổng thống, trong khi có 33% ủng hộ ông Trump.
Sau vụ tấn công, tỷ phú Trump tuyên bố, vụ tấn công tại Orlando là minh chứng cho thấy chiến lược cấm người Hồi giáo là chính xác và một lần nữa nhắc lại đề xuất này. Thậm chí, ông Trump còn chỉ trích chính quyền của Tổng thống Obama là “yếu kém” và kêu gọi ông Obama từ chức. Phản ứng này khiến Tổng thống Mỹ lần đầu tiên thể hiện sự tức giận trực tiếp với ông Donald Trump bằng bài phát biểu chỉ trích rất gay gắt, cho rằng phát ngôn của ông Trump về người Hồi giáo là những phát ngôn “nguy hiểm” và “chống lại các quyền lợi chính trị của nước Mỹ”.
Về phía mình, ứng cử viên Clinton của đảng Dân chủ lên án đề xuất của ông Trump là “khinh suất”, không những không chấm dứt được các vụ tấn công như Orlando mà còn làm tổn thương phần lớn người Hồi giáo, những người cũng căm ghét chủ nghĩa khủng bố và có lợi cho tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng.
Khảo sát do CBS News thực hiện, hơn nửa người dân Mỹ (51%) không đồng tình với phản ứng của ông Trump sau vụ xả súng Orlando. Còn khảo sát do Washington Post và ABC News phối hợp thực hiện ngày 15/6 cho thấy, ủng hộ ông Trump tại các bang dao động (swing states - các bang không chủ yếu ủng hộ Đảng nào) như: Arizona, Colorado, Virginia, Florida, Texas.... rất thấp.
Phản đối từ trong nội bộ Đảng
Lấy vụ tấn công Orlando để chứng minh cho chính sách cấm người đạo Hồi nhưng ông Donald Trump cũng không nhận được sự ủng hộ ngay từ trong đảng Cộng hòa. Các Nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội vẫn giữ khoảng cách với Donald Trump. Tờ Guardian cho biết, từ sau khi Donald Trump đưa ra bình luận người đạo Hồi cũng như chỉ trích Tổng thống Obama, mỗi lần phóng viên đặt câu hỏi liên quan tới Donald Trump, các nghị sĩ Cộng hòa đều có chung câu trả lời “đang muộn họp” hoặc lúc nào cũng ra vẻ vội vàng, tay kề điện thoại bên tai để tránh phải trả lời.
Thậm chí, một số người còn dùng chiêu bài “không nghe, không thấy”. Chẳng hạn, Thượng nghị sĩ Johnny Isakson (đang chuẩn bị tái bầu cử trong năm nay) khẳng định, chưa nghe bài phát biểu của ông Trump hôm 13/6, do đó không thể bình luận. Nhưng thành viên đảng Cộng hòa này cũng khẳng định rõ lập trường: “Cấm người tị nạn không giải quyết được vấn đề khủng bố; cấm súng đạn không chấm dứt được giết chóc”.
Một số thành viên đảng Cộng hòa khác như Thượng Nghị sĩ Rob Portman khẳng định, “không ủng hộ lệnh cấm người Hồi giáo; Đây là lệnh cấm không thiết thực và không phù hợp với hiến pháp của Mỹ”. Không chỉ vậy, một số thành viên Cộng hòa có quan hệ tích cực với ứng viên tỷ phú cũng không tiếc lời chỉ trích.
Ông Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, tiềm năng trở thành Phó Tổng thống cho biết: “Tôi không nghĩ rằng, bài phát biểu của ông Donald Trump về vụ xả súng Orlando là bài phát biểu chuẩn dành cho người muốn dẫn dắt nước Mỹ qua thời kỳ khó khăn”. Nghị sĩ này đánh giá thêm, với cách tiếp cận khiêu khích này, ông Trump đã quyết định gạt các đồng minh vốn có sang một bên và có thể chiến thắng mà không cần họ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận