Philippines mở rộng thiết quân luật tới cuối năm để nhổ tận gốc phiến quân khủng bố |
Bốn nước Đông Nam Á, Australia và New Zealand đồng ý hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan thực thi pháp luật và tình báo từ Trung Đông trong bối cảnh mối đe dọa khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng không còn xa vời mà đang leo thang tại khu vực châu Á.
Mối đe dọa cận kề
Mối đe dọa khủng bố tại khu vực châu Á không còn là những dự đoán xa xôi khi thực tế, thời gian gần đây, nhiều nước châu Á đối mặt với các vụ tấn công, âm mưu khủng bố. Phiến quân khủng bố trung thành với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tấn công TP Marawi trên đảo Mindanao, Philippines buộc Chính phủ nước này phải thiết quân luật trên đảo trong 2 tháng và mở rộng tới cuối năm nay.
Sau hơn 2 tháng xung đột căng thẳng, phiến quân trung thành với IS vẫn kiểm soát một phần TP Marawi. Hơn 600 người thiệt mạng trong đó 45 công dân và 114 thành viên thuộc lực lượng an ninh, còn lại là phiến quân khủng bố - theo thống kê từ Chính phủ Philippines.
Hay tại Australia, cuối tuần qua, cảnh sát nước này lật đổ âm mưu tấn công máy bay thương mại bằng thiết bị nổ cải tiến và đã bắt giữ 4 nghi phạm liên quan. Cảnh sát cho rằng, vụ tấn công có liên quan tới chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Đây là những hồi chuông cảnh báo rằng IS đang tìm cách tạo ra một thành trì mới tại khu vực châu Á khi đang bị đẩy lui khỏi Iraq và Syria ở Trung Đông. Tổ chức này được sự ủng hộ của những chiến binh thánh chiến Đông Nam Á từ Trung Đông trở về cũng như các phiến quân khác bị kích động vì tư tưởng cực đoan và xung đột tại TP Marawi.
Hãng tin Reuters cho biết, IS có một nhóm quân sự trung thành với hàng trăm chiến binh thánh chiến Đông Nam Á tại Syria và Iraq do tay súng Bahrumsyah, người Indonesia cầm đầu. Theo Cảnh sát Indonesia, có khoảng 510 người mang quốc tịch nước này tuyên bố trung thành với IS, đặc biệt đáng chú ý là trong đó có đến 113 phụ nữ.
Ngoài ra, các cơ quan chống khủng bố cho biết, khoảng 20 chiến binh IS của Indonesia đang chiến đấu tại Marawi (Philippines). Một trong những thủ lĩnh của phiến quân tại Marawi thậm chí là giảng viên chuyên ngành Hồi giáo của Malaysia có tên Ahmad Mahmud. Người này đảm nhiệm huy động tài chính và chiêu mộ phiến quân nước ngoài.
Hợp tác chống khủng bố
Trước những mối đe dọa trên, đại diện đến từ 4 nước Đông Nam Á (Malaysia, Indonesia, Philippines, Brunei) cùng Australia và New Zealand đã ngồi lại trong một sự kiện do Australia và Indonesia đồng tổ chức tại TP Manado vào cuối tuần qua để bàn về phản ứng trước mối nguy hiểm gia tăng từ IS.
Sau cuộc gặp, các lãnh đạo ra thông báo chung khẳng định, mối đe dọa từ phiến quân Hồi giáo cực đoan đang tăng cao và không ngừng tiến triển. Do đó, các lãnh đạo kêu gọi tăng cường chia sẻ thông tin cũng như hợp tác về kiểm soát biên giới, phi cực đoan hóa, cải cách luật pháp và chống lại việc phiến quân IS sử dụng mạng xã hội để lên kế hoạch tấn công và lừa phỉnh để tuyển quân.
“Chúng ta phải cùng nhau đối mặt với mối đe dọa khủng bố”, Bộ trưởng Điều phối về chính trị, pháp lý và vấn đề an ninh chung của Indonesia, Wiranto nói.
Tại cuộc gặp, các lãnh đạo đã đưa ra một ý tưởng quan trọng đó là lực lượng cảnh sát Indonesia và Australia sẽ đồng tổ chức cuộc đối thoại giữa các lực lượng thực thi pháp luật vào tháng 8, với sự tham gia của nhiều nước khác ảnh hưởng vì IS.
Hai nguồn tin thực thi pháp luật cấp cao trong cuộc gặp lần này cho biết, các nước đến từ Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham dự cuộc đối thoại và khởi động hợp tác chống khủng bố giữa hai khu vực.
Còn vướng nhiều trở ngại
Đây không phải lần đầu các nước khu vực Đông Nam Á kêu gọi hợp tác chống khủng bố và thực tế cho thấy hoạt động hợp tác giữa các nước không cao - hãng tin Reuters dẫn lời giới chức và các nhà phân tích cho biết.
Báo cáo được công bố vào cuối tháng 7 do Viện Nghiên cứu Phân tích chính sách về xung đột tại Indonesia thực hiện, đã định danh một số “trở ngại nghiêm trọng” đối với việc hợp tác giữa Indonesia, Malaysia và Philippines - các nước tuyến đầu đang đối mặt với mối đe dọa khủng bố tại Đông Nam Á.
Những trở ngại này bao gồm: Sự ngờ vực chính trị sâu sắc giữa Philippines và Malaysia ảnh hưởng nghiêm trọng tới vấn đề chia sẻ thông tin; sự khác biệt về thể chế như việc chống khủng bố tại Indonesia và Malaysia do cảnh sát đảm nhiệm còn ở Philippines lại thuộc về quân đội…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận