Thị trường

"Đồng phục" biển hiệu: Mở cửa hàng mới nhưng... không ai biết?

13/05/2016, 08:51

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc "đồng phục" biển hiệu sẽ dẫn đến tình trạng mở cửa hàng mới nhưng... không ai biết.

DSC00102

Nhiều chuyên gia cho rằng việc "đồng phục" biển hiệu sẽ dẫn đến tình trạng mở cửa hàng mới nhưng... không ai biết.

Liên quan đến việc "đồng phục" biển hiệu trên phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của những hộ kinh doanh, PV Báo Giao thông đã liên hệ với một số chuyên gia kinh tế, marketing để có cái nhìn tổng thể.

"Ý tưởng tốt, nhưng hạn chế sáng tạo"

Trao đổi với Báo Giao thông, Thạc sĩ Nguyễn Phan Anh, chuyên gia marketing online, giảng viên trường ĐH Thương mại cho hay: "Về mặt quản lý thì là tốt, ý tưởng cũng tốt nhưng về mặt quảng cáo thì việc chỉ sử dụng 2 màu đang hạn chế sự sáng tạo của thương hiệu và gây nhầm lẫn về thương hiệu".

Theo ông Phan Anh, về nguyên tắc thì thương hiệu có màu sắc nhận dạng riêng nên không thế bắt các thương hiệu sử dụng màu nền chung và để logo của mình lên đó.

"Các thương hiệu có bản sắc riêng sẽ phải xem xét, nếu như thuê mặt bằng tại đây. Ví dụ, họ có sự nhận diện đồng nhất về màu sắc với 2 màu xanh-đỏ. Như vậy, vô hình chung việc này đã làm giảm giá trị mặt bằng cho thuê", ông Phan Anh nói thêm.

DSC00103

Biển quảng cáo 2 màu đang khiến nhiều hộ kinh doanh gặp khó khăn.

"Mở cửa hàng mới nhưng... không ai biết"

Về biển hiệu 2 màu nền, ông Phan Minh Quang, chuyên gia tư vấn Marketing của Vilink cho rằng: "Các đơn vị kinh doanh theo chuỗi, hoặc các đơn vị kinh doanh đã có sẵn bộ nhận dạng thương hiệu sẽ gặp khó khăn khi thuê mặt bằng tại khu vực này. Đa số sẽ không lựa chọn thuê ở khu vực này. Họ sẽ rất khó để cho khách hàng biết rằng họ vừa mở một cửa hàng mới, vì không ai nhận ra họ. Thậm chí khách hàng có thể nghĩ là có người vừa nhái một thương hiệu nổi tiếng, nhưng bảng hiệu lại làm xấu hơn".

Theo ông Quang, việc "đồng phục" biển hiệu đang vô tình lại làm khó cho đơn vị kinh doanh trong việc trang trí. Bởi lẽ: "Nếu một quán cà phê muốn thiết kế như một không gian cổ tích, hoặc một không gian lãng mạn - cổ điển, thì rõ ràng việc treo bảng tên thuần màu là không phù hợp với trang trí bên trong"

Về phản ánh của các hộ kinh doanh trong việc không được sử dụng mái che nắng, ông Quang cho rằng sẽ khiến họ "khó xử". "Ví dụ như một cửa hàng hoa nếu trưng bày hoa ở gần cửa ra vào, sẽ dễ gặp hư hỏng khi nắng chiếu trực tiếp vào; hoặc một quán ăn nếu không che bạt, sẽ dễ bị nóng ở khu vực phía trước, dẫn đến giảm đi 1 lượng khách hàng", vị này dẫn chứng.

13221045_10201427611089692_2884661369455847905_n

Bình luận hài hước về "đồng phục" biển quảng cáo. (Ảnh: Facebook)

"Phạm Thị Xanh và Phạm Thị Đỏ"

Theo ông Phạm Trần Huy, nguyên Giám đốc sáng tạo của Asatsu (top 4 công ty quảng cáo tại Việt Nam), nước ngoài cũng có quy định chung về bảng hiệu nhưng chỉ là quy chuẩn chứ không phải quy định "một cái khung cái màu".

"Có thể ví việc này như là đánh đồng Thị Kính, Thị Mầu và Thị Nở lại với nhau. Nhãn hiệu và màu sắc cũng giống như con người, tên tuổi. Tưởng tượng cha mẹ sinh ra 10 đứa con, đặt tên nó là Phạm Thị Xanh với Phạm Thị Đỏ. Thậm chí còn không được đặt Phạm Thị Xanh Xanh để phân biệt...", ông Huy nói.

img

Biển quảng cáo trên thế giới có phải "đồng phục"?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.