Thời sự

Dư âm nào từ Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV?

26/06/2017, 08:29

Báo Giao thông ghi nhận ý kiến một số ĐBQH sau khi Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV vừa kết thúc.

6

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi

Tăng thời gian chất vấn và thảo luận về kinh tế - xã hội, kiên quyết không đưa vào chương trình những dự án luật chưa đủ điều kiện, tạo điều kiện cho ĐB tranh luận ngay tại hội trường… được đánh giá là những điểm mới đột phá tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV vừa kết thúc.

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Phó Chủ nhiệm ủy ban Các vấn đề xã hội):

Quyền tranh luận được sử dụng nhiều hơn

Tại Kỳ họp thứ 3 vừa diễn ra, số lượng ĐBQH sử dụng quyền tranh luận trong các phiên họp tăng nhiều so với các kỳ họp trước. Đây là tín hiệu đáng mừng. Trong hoạt động của Quốc hội nên hạn chế việc đại biểu đọc các bài phát biểu đã chuẩn bị sẵn, mà khi thảo luận thấy vấn đề nào còn có ý kiến khác nhau thì tranh luận đến cùng. ĐBQH cũng không nên băn khoăn vì có ý kiến ngược chiều với mình. Vì qua thảo luận, tranh luận, các ý kiến khác nhau đó được phân tích, mổ xẻ kỹ lưỡng, giúp Quốc hội có quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân.

Đặc biệt, tôi đánh giá cao các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này. Các ĐBQH, các thành viên Chính phủ đều thể hiện tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, xây dựng. Trước mỗi vấn đề đặt ra, mỗi đại biểu thể hiện những cách tiếp cận khác nhau, cùng thảo luận, tranh luận để đi đến sự thống nhất. Tranh luận thẳng thắn góp phần tạo nên tính dân chủ trong sinh hoạt nghị trường.

Một trong những đột phá tại kỳ họp lần này là việc quyết định kéo dài thêm thời gian khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội thêm 1 giờ rưỡi so với thông lệ. Với dự án luật lớn và khó như dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, trong quá trình diễn ra kỳ họp, Ủy ban TVQH đã tổ chức thêm một hội nghị để các ĐBQH có thêm thời gian thảo luận kỹ lưỡng về những nội dung còn ý kiến khác nhau, trước khi biểu quyết thông qua.

7

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội):

Điều hành nguyên tắc nhưng linh hoạt

Đây là kỳ họp khá thành công. Bên trong nghị trường chúng ta giải quyết khá nhiều vấn đề, rồi từ không khí của nghị trường đến hành lang của Quốc hội, nhiều vấn đề khác cũng được giải quyết. Điển hình như việc thảo luận, thông qua dự án tách GPMB của sân bay Long Thành thành dự án thành phần, qua đó, cũng giải quyết được vấn đề về sân gofl trong sân bay Tân Sơn Nhất. Những bức xúc này nếu không được giải quyết tại kỳ họp rất khó đặt ra ở chỗ khác.

Phiên chất vấn tại kỳ họp này đặc biệt rất thành công trên nhiều mặt, điển hình như việc các ĐBQH chuẩn bị rất nhiều nội dung chất vấn đối với các thành viên Chính phủ, bản thân các ĐB cũng tranh luận với nhau để tìm giải pháp tốt cho các vấn đề. Về sự điều hành, chủ tọa các phiên họp dù nguyên tắc nhưng lại rất linh hoạt, tạo không khí dân chủ. Việc tăng cường các cuộc họp không chính thức theo chương trình như tổ chức thêm cuộc họp về BLHS, tăng thời gian chất vấn lên nửa ngày, kéo dài thời gian thảo luận đến 18h30… là những đổi mới chưa có tiền lệ.

8

ĐBQH Cao Đình Thưởng

ĐBQH Cao Đình Thưởng (Phú Thọ): 

Điểm cộng “từ tham luận sang tranh luận”

Kỳ họp thứ 3 đã thông qua nhiều dự án Luật, Nghị quyết với sự đồng thuận cao. Quốc hội cũng kiên quyết để lại với những dự luật còn nhiều ý kiến khác nhau, như dự án Luật Quy hoạch và yêu cầu cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp để chỉnh lý, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng. Thông qua phiên chất vấn, nhiều vấn đề nóng, thời sự của thực tiễn cuộc sống cũng đã được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội.

Một trong những điểm cộng của kỳ họp lần này, đó là việc Quốc hội tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội thảo luận, tranh luận. Và không dừng ở những tranh luận với các thành viên Chính phủ, các ĐBQH còn tranh luận với nhau, qua đó góp phần làm rõ thêm những hạn chế, yếu kém, xác định trách nhiệm và đề ra giải pháp khắc phục. Các Phó thủ tướng, theo lĩnh vực được giao phụ trách, đã giải trình, làm rõ thêm những vấn đề ĐBQH nêu. Việc phân định rõ trách nhiệm như vậy là cần thiết, từ đó đưa ra được giải pháp đúng tầm hơn.

9

ĐBQH Dương Trung Quốc

ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai):

Đã quan tâm chất lượng hơn số lượng

Dù đa số các ĐBQH đều là người mới, nhưng các nội dung chất vấn và thảo luận được các ĐBQH thể hiện rất thẳng thắn, có trọng tâm. Việc chuẩn bị cho kỳ họp cũng khá kỹ lưỡng, công phu; các dự án luật đã bắt đầu theo xu hướng chất lượng chứ không chạy theo số lượng, chỉ những dự án luật nào được chuẩn bị kỹ lưỡng, yên tâm về chất lượng và được các ĐBQH đồng thuận cao mới được đưa ra Quốc hội thảo luận để thông qua. Những dự án luật nào còn chưa yên tâm, Quốc hội kiên quyết kéo lùi thời gian sang kỳ họp khác.

Trên hội trường cũng như tại tổ, không khí thảo luận rất sôi nổi; có nhiều tranh luận không ngại va chạm mà quyết tâm đi đến cùng bản chất vấn đề. Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu xã hội và mong mỏi của cử tri, phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và phiên chất vấn, trả lời chất vấn đã được tăng thời gian, dành cơ hội cho nhiều ĐBQH thảo luận và tranh luận hơn. Việc điều chỉnh này chính là những đổi mới đáng ghi nhận, thể hiện sự linh hoạt của lãnh đạo Quốc hội cũng như của Quốc hội trong việc xây dựng chương trình.

Xét riêng theo góc độ điều hành của lãnh đạo Quốc hội, khi thấy những nội dung mà đại biểu và cử tri quan tâm đề xuất với Quốc hội thì được điều chỉnh kịp thời ngay trong kỳ họp. Đó là những điểm mới dễ thấy so với các kỳ họp trước.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Quốc hội đang chuyển dần từ phát biểu sang tranh luận, đó là sự thay đổi tích cực, đáng ghi nhận của Kỳ họp thứ 3 vừa diễn ra. Ông Phúc cũng cho hay, kỳ họp này có điểm mới ở sự điều hành rất linh hoạt của chủ tọa, nhất là việc chủ tọa quyết định kéo dài thêm thời gian thảo luận căn cứ vào thời lượng chương trình. “Ví dụ, tại phiên thảo luận cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, Chủ toạ đã quyết định kéo dài đến 18h30, tức kéo dài chương trình thảo luận thêm 1,5 giờ, có thêm 15 đại biểu phát biểu. Chưa bao giờ có phiên họp nào có tới 93 đại biểu đăng ký phát biểu tại một phiên họp. Việc mở thời gian tạo điều kiện cho đại biểu phát biểu nhiều hơn”, ông Phúc nói. Bên cạnh đó, Tổng thư ký Quốc hội cho hay kỳ họp này Quốc hội cũng quyết định kéo dài phiên chất vấn thêm nửa ngày, dành thời gian nhiều hơn cho cả người hỏi lẫn người trả lời để làm rõ vấn đề. Đây cũng đổi mới này cần phải phát huy trong các kỳ họp sau.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.