Tỷ phú người Thái gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakdi |
Kết thúc phiên giao dịch chứng khoán ngày 19/12, cổ phiếu SAB của Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) "nằm sàn" còn 287.600 đồng/cổ phiếu, giảm 21.600 đồng so với giá đóng cửa ngày 18/12 và giảm tới 32.400 đồng so với mức giá đấu bình quân 320.000 đồng/cổ phiếu trong phiên chào bán cạnh tranh vừa tổ chức.
Theo đó, với 343.662.587 cổ phần được bán “tất tay” cho 2 nhà đầu tư là Công ty TNHH Vietnam Beverage và một cá nhân, có thể nói, Nhà nước đã “chốt lời” cả chục nghìn tỷ đồng chỉ sau một phiên giao dịch. Điều đó cũng có nghĩa, giá trị khoản đầu tư vào Sabeco của nhà đầu tư Thái Lan, đại diện là Công ty TNHH Vietnam Beverage đã “vơi” xấp xỉ 10%, tương ứng hơn 10.000 tỷ đồng chỉ sau một đêm ngủ dậy.
Tất nhiên, nhà đầu tư Thái Lan khi bỏ ra cả trăm nghìn tỷ đồng mua cổ phiếu của Sabeco chắc chắn không nhằm mục tiêu “lướt sóng”, nên việc tăng/giảm giá trị trong một vài phiên giao dịch chưa khẳng định sự thành/bại của thương vụ này. Song, xét ở khía cạnh bán vốn Nhà nước tại Sabeco, có thể nói, đây là một kết quả ngoài mong đợi. Bởi, như chia sẻ của một cán bộ ngành Công thương tham gia xây dựng kế hoạch chào bán Sabeco, kết quả định giá của tư vấn với cổ phiếu này chỉ khoảng 140.000 đồng.
Chủ trương bán cổ phần Sabeco đã được Chính phủ chỉ đạo từ năm 2012, song Bộ Công thương đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị bán nhưng không thành. Bởi, Sabeco được ví như một cô gái xinh đẹp, kén “đại gia” làm rể, theo cách nào và giá cả bao nhiêu vô cùng khó. Sau một thời gian dài gián đoạn, công cuộc “kén rể” cho Sabeco mới được khởi động lại một năm trước đây và Chính phủ cũng phải mất tới một năm mới chốt được phương án sau khi tính đi tính lại, nâng lên đặt xuống. Khó nhất được người trong cuộc cho rằng là tìm được sự đồng thuận, trong đó áp lực lớn nhất là với những người phải ra quyết định làm sao để không bị bán... hớ.
Sau khi xử lý được “một mớ” khó khăn, từ quy định, chỉ đạo, sự đồng thuận, dư luận..., giải pháp bán đấu giá đã được đưa ra, song vẫn còn một rủi ro cuối cùng là... không ai mua! “Cơm không ăn thì gạo còn đó”, song không ai muốn bị đè nặng bởi yếu tố tâm lý “gái đẹp mà ế”.
Và thực tế cũng diễn ra khá “gay cấn” khi đến cuối giờ chiều 17/12, Công ty TNHH Vietnam Beverage và một nhà đầu tư cá nhân mới chính thức nộp tiền đặt cọc để tham gia phiên đấu giá cổ phần. Qua được bước “thở phào” đó, đến chiều 18/12, những người có trách nhiệm trong thương vụ này mới vỡ òa khi toàn bộ số cổ phần chào bán đã được “hấp thụ” gọn gàng với mức giá bình quân tới 320.000 đồng, giúp ngân sách có 4,8 tỷ USD.
Ngay cả như vậy, cuộc đấu giá cũng vẫn để lại cả những dư âm kiểu tiếc nuối, lo ngại khi thương hiệu hàng đầu Việt Nam rơi vào tay nhà đầu tư ngoại. Song, cũng phải nhìn nhận một cách thẳng thắn, chủ trương Nhà nước thoái vốn khỏi các DNNN không có gì phải bàn cãi, dù cho thương hiệu đó có đình đám đến đâu. Còn xét trên khía cạnh một thương vụ mua - bán, thì giá cả là một trong những tiêu chí quan trọng nhất. Và rõ ràng trong trường hợp này, có thể so sánh một cách hình ảnh rằng, “cô gái đẹp” Sabeco đã kén được một “chàng rể” xứng đáng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận