Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đã hoàn thành hệ thống đường và điện |
Khẩn trương tái định cư cho dân
Sáng 26/11, PV Báo Giao thông quay lại xã Suối Trầu, nơi sẽ bị “xóa sổ” khi triển khai dự án CHK quốc tế Long Thành. Trên ĐT 769 vào xã, chúng tôi chứng kiến khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đã được các đơn vị thi công hoàn thiện đường giao thông và đường điện sẵn sàng cho việc triển khai các khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Ông Nguyễn Hồng (63 tuổi) ngụ ấp 1, xã Suối Trầu (huyện Long Thành, Đồng Nai) cho biết: “Bà con nơi đây sẵn sàng bàn giao mặt bằng để xây dựng sân bay. Bà con cũng rất mong khi đền bù phải được chi trả một lần theo giá thị trường để ổn định cuộc sống sau khi giao mặt bằng xây dựng sân bay”.
Xã Suối Trầu sau khi triển khai dự án sẽ bị giải tỏa trắng UBND huyện Long Thành đề xuất tái lập cơ quan hành chính cấp xã mới vừa để thay thế xã Suối Trầu (trên cơ sở điều chỉnh lại địa giới hành chính 6 xã bị ảnh hưởng và một phần xã An Phước) vừa đảm bảo công tác cho một bộ phận cán bộ, công chức và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. |
Ông Võ Xão (84 tuổi) ngụ ấp 2, xã Suối Trầu chia sẻ: “Tôi sống ở đây hơn 40 năm, dự án CHK quốc tế Long Thành đã qua 3 nhiệm kỳ Thủ tướng nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai. Qua xem trực tiếp kỳ họp Quốc hội mấy ngày qua, tôi thấy dự án sân bay Long Thành nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu. Mong rằng Nhà nước sớm triển khai ngay dự án và đền bù thỏa đáng nhà đất, cây trồng vật nuôi cho người dân một lần để sớm ổn định cuộc sống”.
Trao đổi với PV Báo Giao thông ông Ngô Thế Ân, Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết, các hộ dân bị giải tỏa trắng để lấy đất làm sân bay được bố trí vào 2 khu tái định cư. Hiện, địa phương đã triển khai trước hệ thống đường, điện hạ tầng ở 2 khu tái định cư khi Trung ương bố trí vốn sẽ triển khai xây dựng ngay. Theo quy hoạch 2 khu tái định cư này nằm vị trí phía Bắc của sân bay và liền kề với các trục đường giao thông như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tỉnh lộ 769. Xung quanh 2 khu tái định cư có các khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn, Long Đức, cụm công nghiệp Bình Sơn… có thể tiếp nhận việc làm cho lao động sau này.
“Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thực hiện dự án. Lãnh đạo tỉnh và UBND huyện đã sẵn sàng và quyết tâm cao trong công tác đền bù, giải tỏa mặt bằng để sớm triển khai thực hiện dự án. Người dân nơi đây đã bị thiệt thòi từ nhiều năm qua nên không thể chậm trễ”, ông Ngô Thế Ân, Chủ tịch UBND huyện Long Thành khẳng định.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai, đơn vị được UBND tỉnh Đồng Nai giao làm chủ đầu tư các khu tái định cư cho biết, hiện các thủ tục triển khai khu tái định cư đang gấp rút được hoàn thành. “Để di dời dân, các khu tái định cư phải chuẩn bị sẵn. Khi người dân nhận tiền bồi thường thì có đất xây dựng nhà ngay. Dự kiến, bắt đầu từ tháng 8/2018, người dân có thể bắt đầu vào xây nhà để tái định cư”, ông Tuấn cho biết.
Đoàn công tác Quốc hội thăm người dân xã Suối Trầu cuối tháng 7/2017 |
Lợi ích của người dân phải đặt lên hàng đầu
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai khi triển khai dự án CHK quốc tế Long Thành phải giải tỏa 5.000ha, trong đó có 2.970/5.000ha (chiếm 59,4%) đất của hộ gia đình cá nhân sử dụng, còn lại là đất trồng cây lâu năm. Đồng thời, với công tác thu hồi đất sẽ phải di dời hơn 4.864 hộ với khoảng 15.000 nhân khẩu. Trong đó có 1.926 hộ (chiếm 39,5%) có nguồn thu nhập chính từ nông nghiệp.
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội mới đây ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc tái định cư không chỉ đơn thuần là di dời hàng chục ngàn dân từ nơi ở cũ sang nơi ở mới mà còn phải tính toán đến chất lượng cuộc sống. Trong đó, những mối quan tâm thường trực của người dân là giáo dục, y tế, các cơ sở tôn giáo, thờ tự sẽ được giải quyết thấu đáo. Lợi ích của người dân phải được đặt lên trước hết bởi chỉ khi có mặt bằng sân bay mới có thể triển khai xây dựng. Đồng Nai đã đề xuất và được Chính phủ cho phép dùng cơ chế đặc thù khi triển khai GPMB. Do đó, trong quá trình khảo sát, các cơ quan chuyên môn của tỉnh phải nắm bắt rất kỹ nhu cầu của người dân.
Theo ông Vĩnh có một thực tế hiện nay, thị trường đất đai xung quanh dự án CHK quốc tế Long Thành đang nhiễu loạn. Đây là hoạt động ăn theo dự án của giới đầu cơ nhà đất. Phần lớn khách hàng giao dịch ở đây đều là người ngoại tỉnh còn dân cư xung quanh rất ít người mua dẫn đến tình trạng sốt ảo, gây ra tác động tiêu cực đối với công tác xác định giá đất bồi thường khi thực hiện di dời dân. Vừa qua tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp siết chặt quản lý đất đai như ban hành quy định không tách thửa để chấn chỉnh tình trạng phân lô, bán nền đất. Song song đó, thực hiện quy hoạch chung cho cả vùng phụ cận để phục vụ và khai thác lợi thế từ sân bay, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với Đồng Nai Phát biểu tại Quốc hội về Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư CHK quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định Chính phủ, Bộ GTVT xác định rõ đây là dự án trọng điểm quốc gia, quá trình triển khai thực hiện dự án phải hết sức thận trọng. “Dự án có quy mô rất lớn, ảnh hưởng đến gần 15.000 nhân khẩu và gần 5.000 hộ dân, nên phải hết sức thận trọng khi triển khai. Sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương, Chính phủ phê duyệt dự án, Bộ GTVT cùng với các bộ, ngành sẽ phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai rà soát từng phần việc sẽ thực hiện, tổ chức triển khai sao cho đảm bảo công khai, minh bạch. Bộ trưởng cũng bày tỏ sự tin tưởng vào kinh nghiệm GPMB của Đồng Nai, bởi đây vốn là địa phương có tới hơn 30 khu công nghiệp và các khu cụm công nghiệp, vốn liên quan rất nhiều đến công tác giải phóng mặt bằng. “Kinh nghiệm trong công tác giải phóng mặt bằng của Đồng Nai rất tốt, tuy nhiên chúng tôi sẽ không chủ quan. Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Đồng Nai, xem xét những vấn đề nào thuộc thẩm quyền thì tổ chức thực hiện, việc gì vượt thẩm quyền thì sẽ báo cáo lên Chính phủ, Quốc hội, mục tiêu là thực hiện dự án tốt nhất, hiệu quả nhất”, Bộ trưởng nói. T.B (Ghi) Đề nghị lập báo cáo nghiên cứu kết nối giao thông đến CHK Long Thành TCT Cảng hàng không VN (ACV) vừa có văn bản gửi Bộ GTVT nghiên cứu phương án phát triển hệ thống giao thông kết nối CHK quốc tế Long Thành. Văn bản do Phó tổng giám đốc Đỗ Tất Bình ký nêu rõ, hiện tại DN này đang triển khai các thủ tục cần thiết để lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) giai đoạn 1 Dự án CHK quốc tế Long Thành. Theo quy định tại Luật Xây dựng, phương án kết nối hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài công trình là một trong những nội dung trong FS. Tuy nhiên, trong báo cáo tiền khả thi dự án được phê duyệt, phần giao thông kết nối CHK quốc tế Long Thành với giao thông khu vực mới được nghiên cứu sơ bộ, chưa có thiết kế sơ bộ và khái toán tổng mức đầu tư cho hạng mục này. Việc xây dựng quy hoạch hệ thống giao thông kết nối cảng hàng không với các khu vực lân cận là rất quan trọng và cần thiết để đảm bảo hoạt động của sân bay. Để đảm bảo tiến độ chung của dự án sân bay Long Thành, ACV đề nghị Bộ GTVT cho phép bổ sung nghiên cứu phương án phát triển, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế sơ bộ phần hệ thống giao thông kết nối CHK quốc tế Long Thành với hệ thống giao thông khu vực vào nội dung gói thầu tư vấn Lập báo cáo nghiên cứu khả thi Giai đoạn 1 Dự án CHK quốc tế Long Thành. Trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1, sau khi phương án nghiên cứu phát triển hệ thống giao thông kết nối được đơn vị tư vấn hoàn thiện, ACV sẽ trình Bộ GTVT xem xét và chấp thuận, cập nhập vào quy hoạch giao thông khu vực. Cùng với việc trình duyệt hồ sơ nghiên cứu phát triển hệ thống giao thông kết nối, cập nhật quy hoạch, ACV sẽ yêu cầu đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế sơ bộ, tính toán mức đầu tư phần giao thông kết nối để đưa vào tổng mức đầu tư của Dự án CHK quốc tế Long Thành. T.Bình |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận