Dự án khó về đích đúng hạn
Trao đổi với Báo Giao thông, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương thừa nhận: Việc hoàn thành đưa dự án vào khai thác từ ngày 30/4 theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh khó thực hiện.
Theo bà Hương, có nhiều nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ nhưng cốt lõi, khách quan nhất là do thời tiết bất lợi.
Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn thừa nhận tiến độ dự án sẽ không thể về đích như chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh
Bà Hương cho hay, để thực hiện dự án, nhà thầu huy động gần cả trăm nhân lực làm việc. Tuy nhiên, thời tiết cuối năm 2022 và đầu năm 2023 quá xấu trong thời gian hơn hai tháng nên không thể triển khai thi công và hoàn thành dự án như chỉ đạo của tỉnh.
“Điều kiện của công trình trên huyện đảo phức tạp. Việc tập kết nguyên vật liệu từ đất liền ra đảo bằng sà lan cũng phụ thuộc vào thời tiết. Các nguyên nhân này dẫn đến tiến độ kéo dài chứ không phải do lỗi chủ quan của huyện, nhà thầu. Từ khi thời tiết thuận lợi, nhà thầu tăng tốc, đến giờ đạt khoảng 80%. Tuy nhiên, chừng đấy thì không thể hoàn thành dự án vào ngày 30/4 như chỉ đạo của tỉnh", bà Hương thông tin.
Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn thừa nhận tiến độ dự án chậm là do thời tiết bất lợi
Cũng theo người đứng đầu UBND huyện Lý Sơn, hợp đồng hoàn thành dự án là đến ngày 31/12/2023. Nhưng tỉnh muốn tăng tiến độ nên huyện và nhà thầu đã rất quyết tâm. Khó nhất là vấn đề thời tiết.
Trung tâm to mà không có bác sỹ giỏi thì bằng không
Bên cạnh áp lực tiến độ, nỗi lo dự án Trung tâm y tế Quân - Dân Y kết hợp Lý Sơn khi hoàn thành, việc khai thác, vận hành gặp khó do đội ngũ nhân vật lực trong ngành y tế tại đảo thiếu hụt và trình độ tay nghề y, bác sĩ chưa cao.
Bà Hương cho hay, huyện kiến nghị tỉnh có cơ chế hỗ trợ về đào tạo, điều động luân phiên bác sỹ từ tuyến trên về hỗ trợ công tác khám chữa bệnh cho người dân tại đảo. Máy móc, cơ sở khang trang mà nhân lực không có thì cũng vậy.
"Mục đích chúng ta đầu tư dự án là để thực hiện công tác khám, chữa bệnh mang lại sức khỏe cho người dân tốt hơn. Do đó, cần thực hiện luân chuyển bác sỹ từ đất liền ra đảo công tác từ 1-2 năm. Đồng thời, tỉnh cần làm việc với Quân khu V để cử y, bác sỹ chuyên khoa ra công tác ở đảo có thời hạn vì đây là Trung tâm y tế Quân - Dân Y kết hợp...", Bà Hương nói.
Công tác khám chữa bệnh cho người dân huyện đảo còn nhiều bất cập, nhất là nguồn lực đội ngũ y, bác sỹ trình độ còn hạn chế
Ghi nhận của PV, lâu nay công tác khám chữa bệnh tại Lý Sơn được huyện tận dụng cơ sở của Trung tâm giáo dục dạy nghề. Tuy nhiên, do điều kiện của ngành y tế tại đảo hạn chế nên trong thời gian qua, nhất là vào các đợt biển động người dân huyện đảo bị bệnh như cần mổ ruột thừa hay điều trị sốt xuất huyết… phải chuyển vào đất liền điều trị. Chỉ tính riêng thuê tàu cao tốc, người bệnh phát sinh giá thuê gần 20 triệu đồng/lượt.
Bà Hương cho biết thêm, để đảm bảo việc vận hành thiết bị và khám chữa bệnh cho người dân những bệnh thông thường, vừa qua huyện trích ngân sách hơn 150 triệu đồng hỗ trợ bác sỹ đi học, tập huấn tại các cơ sở y tế lớn. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài, tỉnh phải có cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ để đưa bác sỹ có trình độ, chuyên môn cao về công tác tại đảo, may ra mới đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Trước đó, Báo Giao thông đã có bài phản ảnh về dự án Trung tâm y tế Quân - Dân Y kết hợp Lý Sơn với tổng mức đầu tư 287 tỷ đồng chậm tiến độ theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh dù địa phương này đã có nhiều công văn đốc thúc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận