Hồ sơ tài liệu

Đức chững lại trong chống khủng bố và khủng hoảng nhập cư?

15/12/2015, 06:38

Đức đang tụt lại phía sau trong cả cuộc chiến chống khủng bố lẫn khủng hoảng người di cư.

 

Một người tị nạn ở TP Munich Đức giơ cao ảnh bà Me
Một người tị nạn ở TP Munich (Đức) giơ cao ảnh bà Merkel.

Từ chối tăng viện quân chống IS

Đức sẽ không mở rộng can dự trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đây là khẳng định của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Trên kênh truyền hình Đức ZDF ngày 13/12, bà Merkel nói: “Tôi tin rằng Đức đã hoàn thành nhiệm vụ của mình và chúng tôi không cần bàn thêm các vấn đề khác vào lúc này”.

Trước đó, tờ Der Spiegel (Tấm gương) đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter gửi thư đề nghị Đức tăng cường hỗ trợ về quân sự cho liên quân trong cuộc chiến chống IS. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức xác nhận nội dung bức thư được đưa ra bàn thảo, song không công bố thêm chi tiết. Bức thư Mỹ gửi Đức không có thêm yêu cầu cụ thể nào và tương tự nội dung gửi các đồng minh khác của Washington, nguồn tin thân cận của Der Spiegel cho biết.

Mỹ đề nghị Đức gia tăng hỗ trợ quân sự sau khi Quốc hội nước này bỏ phiếu ủng hộ tham gia liên minh quân sự chống IS tại Syria.  Hiện, Đức đóng góp cho chiến dịch chống IS tại Syria 6 máy bay trinh sát Tornado, một tàu khu trục yểm trợ tàu sân bay Charles de Gaulle, tiếp nhiên liệu cho máy bay và 1.200 binh sĩ. Ngày 10/12 vừa qua, hai chiếc Tornado đầu tiên của Đức đã hạ cánh xuống căn cứ Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ để bắt đầu nhiệm vụ trinh sát tại Syria từ tháng 1/2016.

Việc Đức triển khai lực lượng tham gia liên quân là động thái đáp lại lời kêu gọi đoàn kết của Chính phủ Pháp sau vụ tấn công đẫm máu ở Thủ đô Paris làm 130 người thiệt mạng hồi tháng trước. Tuy nhiên, Berlin chưa có kế hoạch triển khai các cuộc không kích ở Syria. Hồi tuần trước, nữ Bộ trưởng Quốc phòng Ursula von der Leyen cho rằng, nước Đức có thể cần một lực lượng vũ trang lớn mạnh hơn để đảm nhận các trọng trách lớn hơn.

Giới hạn trần nhập cư

Cũng trong ngày 13/12, trước sức ép phải đặt mức trần tiếp nhận người tị nạn, bà Merkel đã bác bỏ và chỉ muốn “giảm rõ rệt” số người tị nạn. Theo bà Merkel, cần phải giải quyết nguyên nhân dẫn tới làn sóng di cư, nâng cao điều kiện sống cho người dân ở các nước này, bảo vệ biên giới ngoài Liên minh châu Âu (EU); Đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn các đường dây đưa người bất hợp pháp; Hỗ trợ cho các trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, Li băng, Jordan và những nơi khác để người tị nạn không phải cất công tìm kiếm cuộc sống mới qua những con đường nguy hiểm khác.

Các nhà quan sát cho rằng, tuyên bố này nhằm xoa dịu những ý kiến phản đối và chỉ trích về chính sách tiếp nhận người nhập cư. Hiện, theo số liệu từ Easy (hệ thống đăng ký tiếp nhận người tị nạn), số người tị nạn đăng ký đã hơn một triệu người; Riêng tháng 11 có trên 200.000 đơn mới, theo Reuters.

Trước đó, khi phần lớn các nước châu Âu tỏ ra khá lạnh nhạt với người nhập cư, thì Đức được ngợi ca là “người anh hùng” với những hành động như: Chuẩn bị thực phẩm, quần áo, nơi ăn chốn ở cho người tị nạn. Những người nhập cư gọi tên bà Angela Merkel - như một hiện thân của “từ mẫu”.

Nước Đức thật sự vật lộn trong cơn khủng hoảng người nhập cư và buộc phải đưa ra các biện pháp cần thiết nhằm kiểm soát vấn đề”.

Ông Sigmar Gabriel, Bộ trưởng Kinh tế

Cho đến khi không thể kiểm soát nổi số lượng, Berlin thông báo: Các biện pháp siết chặt biên giới sẽ được thực hiện vì lý do an ninh. Bộ trưởng Nội vụ Đức Thormas de Maiziere cho biết: “Mục đích của biện pháp này là nhằm hạn chế dòng người di cư đang tràn vào Đức và đưa mọi thứ trở lại trật tự”. Những tuần qua, hàng loạt các cuộc biểu tình chống nhập cư giương cao dòng chữ “Merkel phải đi”, “Ai cũng có quê hương riêng, chứ không phải là một mẩu nước Đức” và gọi Chính phủ của bà Merkel là “Phản bội Tổ quốc”. Thậm chí, bà Henriette Reker, ứng viên chức thị trưởng TP Cologne bị một phần tử cực đoan phản đối chính sách nhập cư dùng dao tấn công để phản đối cách Chính phủ Đức ứng phó trước làn sóng tị nạn.

Giới chức Đức cho biết,  những người nhập cư không đáp ứng đủ tiêu chí quy chế tị nạn sẽ bị trục xuất. Bộ trưởng Quốc phòng Ursula von der Leyen cho biết, đã tính đến phương án dùng máy bay vận tải quân sự tham gia việc trục xuất, theo Bild.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.