Xe Limousine của Công ty Hà Lan chờ đón khách trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh (khu vực trước cổng Ban Cơ yếu Chính phủ) |
Loại hình dịch vụ vận tải khách bằng xe Limousine đang có xu hướng phát triển nở rộ, tạo nên nhiều luồng dư luận trái chiều. Một số ý kiến cho rằng, đây là sự ra đời của dịch vụ vận tải chất lượng cao, đánh dấu một bước ngoặt mới của thị trường vận tải.
Tuy nhiên, đa số ý kiến đều lo ngại sự ra đời của dịch vụ vận tải mới này đang “xé rào” những quy định của pháp luật khi những chiếc xe gắn biển “xe hợp đồng”, ngụy trang dưới mác xe gia đình như được “khoác áo tàng hình” thản nhiên ra vào, đón trả khách trong nội đô. Hàng ngày, các xe này đều chạy trên một tuyến đường cố định, vào một giờ cố định, có tần suất xe chạy và bán vé như xe khách thông thường.
Sự hiện diện của các xe Limousine chở khách đang thu hẹp thị phần của các doanh nghiệp vận tải khách truyền thống, khiến họ bị cảm thấy cạnh tranh không lành mạnh khi các xe Limousine “núp bóng” hợp đồng nhưng lại hoạt động như xe khách cố định, hoàn toàn không phải vào bến, đóng sổ nhật trình, xin hiệp thương đầu cuối…
Nếu không quản được loại hình xe hợp đồng trá hình, sẽ dẫn đến hệ quả là không có khách vào bến xe, nguy cơ phá vỡ vận tải khách tuyến cố định là hiện hữu. Bên cạnh đó, việc nở rộ xe trá hình còn có thể dẫn đến “phong trào” các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định bỏ bến để chuyển sang chạy hợp đồng hoặc chạy dù, lập bến cóc.
Hiện, bất kỳ một cán bộ chức năng nào thử đóng vai hành khách đặt vé, bước chân lên một chuyến xe Limousine chở khách đều nhận thấy, đây đúng xe mang mác “xe hợp đồng” nhưng chở khách như xe tuyến cố định, vì nhà xe đều công khai các địa điểm đưa đón khách không nằm trong hợp đồng; thu tiền trực tiếp từng hành khách trên xe.
Theo Điều 45 của Thông tư 63/2014/TT-BGTVT ngày 7/11/2014, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết; không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức”. Vậy mà, bất cứ ai gọi tổng đài đặt vé đều được các hãng xe Limousine kể trên, đề nghị khai báo họ tên, số chứng minh nhân dân, đặt ghế và giá vé…, rất dễ dàng để xác định được là “xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe”. Hoặc Khoản 2, Điều 45 quy định: “Hợp đồng vận chuyển hành khách được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe; mỗi chuyến xe đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 1 hợp đồng vận chuyển khách”, nhưng trên các chuyến xe Limousine này, cả xe không ai biết ai ở đâu, đi đâu, thì ai sẽ là người “có nhu cầu thuê cả chuyến xe”?
Nhu cầu đi xe khách chất lượng cao, an toàn, tiết kiệm thời gian của người dân tham gia giao thông cần phải được đáp ứng và phát triển. Nhưng vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, loại hình nào hoạt động cũng cần phải có tổ chức, chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải. Và các doanh nghiệp vận tải cần phải được cơ quan Nhà nước đối xử công bằng, không thể biện luận việc “phục vụ nhu cầu nhân dân” mà vi phạm pháp luật, trốn thuế, chạy xe biến tướng như một loại hình xe dù, bến cóc gây mất an ninh trật tự, ATGT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận