Thanh tra đường thủy dùng điện thoại ghi lại hình ảnh một chi tiết trên phương tiện thủy để lưu vào hồ sơ kiểm tra |
Tận dụng facebook, điện thoại di động
Mới đây, Đội Thanh tra - an toàn số 1 (thuộc Chi cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) phía Bắc) nhận được hình ảnh, thông tin phản ánh một số báo hiệu đường thủy trên sông Lô không đảm bảo tiêu chuẩn, phương tiện neo đậu tại công trình cầu Bình Ca trên sông Lô không phù hợp. Ông Phạm Thế Đương, Đội trưởng Đội Thanh tra - an toàn số 1 cho biết, căn cứ tính chất thông tin, đơn vị lập tức ưu tiên lực lượng để xác minh hiện trường, giải quyết kịp thời.Lần khác, những bức ảnh về tàu thuyền, với nghi vấn hút cát trái phép trên luồng chạy tàu, gần kè được gửi đến và cũng được Đội ưu tiên giải quyết so với các vụ việc khác.
Từ năm 2016, Cục ĐTNĐ Việt Nam phối hợp với trường ĐH Công nghệ GTVT xây dựng thí điểm hệ thống cảnh báo tĩnh không cầu, để giúp ngăn ngừa tai nạn, đâm va giữa phương tiện với cầu. Hệ thống hoạt động theo cơ chế là khi mực nước dâng cao, không bảo đảm chiều cao cho tàu đi qua, hoặc khi tàu có chiều cao vượt quá giới hạn cho qua gầm cầu, hệ thống sẽ cảnh báo bằng âm thanh cho chủ tàu biết và báo về trung tâm điều hành giao thông của Cục để xử lý kịp thời, phòng ngừa TNGT đường thủy. |
Cũng theo ông Đương, từ tháng 8/2017, đơn vị nhận được hơn 50 tin phản ánh về ATGT đường thủy có kèm các bức ảnh thực tế. Đây là hình thức phản ánh mới, có tính xác thực cao hơn so với trước đây. “Các thông tin phản ánh trên được người dân, chủ phương tiện, thuyền viên chụp ảnh bằng điện thoại và gửi đến Cục ĐTNĐ Việt Nam qua ứng dụng trên điện thoại Viwa Alert hoặc trang facebook của Cục. Hình thức mới này giúp Đội dễ dàng xác minh thông tin để xử lý kịp thời”, ông Đương nói.
Đề cập vấn đề trên, ông Trương Trọng Doanh, Trưởng phòng Khoa học, công nghệ và môi trường của Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, ứng dụng Viwa Alert do Cục xây dựng, cung cấp miễn phí. Mọi người dễ dàng tải xuống điện thoại di động, khi gặp vấn đề của giao thông đường thủy cần phản ánh, chỉ cần dùng điện thoại chụp ảnh, ứng dụng sẽ xác định được ngay theo tọa độ, vị trí hình ảnh được gửi đến Cục.
“Viwa Alert được thử nghiệm từ tháng 8/2017 đã trở thành kênh tiếp nhận thông tin chính thức của Cục. Trung bình mỗi ngày có hơn 10 thông tin kèm hình ảnh do người dân gửi đến, đều được Cục phân cấp xử lý và phản hồi kịp thời đến tổ chức, người dân”, ông Doanh nói và cũng cho biết thêm, từ giữa tháng 11/2017, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam đã ban hành quyết định chính thức hóa việc tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về giao thông đường thủy qua ứng dụng Viwa Alert, trang facebook “Cục ĐTNĐ Việt Nam và an toàn đường thủy”...
Tăng ứng dụng công nghệ
Ông Trần Sỹ Nghĩa, Đội trưởng Đội Thanh tra - an toàn số 4 cũng cho biết, theo chủ trương của Cục, Chi cục, đơn vị cũng chủ động tận dụng công nghệ để phục vụ công tác chuyên môn, nâng hiệu quả bảo đảm trật tự ATGT. Chẳng hạn, anh em trong Đội dùng máy ảnh, điện thoại để chụp ảnh từng bến đò, cầu, công trình vượt sông thuộc phạm vi quản lý để lập hồ sơ điện tử, đơn vị cần phối hợp công tác.
“Trên cơ sở dữ liệu điện tử, chúng tôi xác định các “điểm nóng”, thời gian cần ưu tiên bảo đảm ATGT. Trong mùa lễ hội trên sông nước, lễ hội mùa xuân vừa qua, có những đêm anh em trong Đội thức trắng để giám sát ATGT bến đò đông người đi lễ hay tại lễ hội có nghi lễ trên sông vào ban đêm”, ông Nghĩa liên hệ công việc thực tế.
Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, đến nay, hơn 5.000 cảng, bến thủy trên toàn quốc đã được Cục đưa lên bản đồ số, công khai cho người dân và doanh nghiệp biết. Ông Trương Trọng Doanh, Trưởng phòng Khoa học, công nghệ và môi trường cho biết, đến nay các báo cáo, thông tin vận tải và ATGT đường thủy giữa Cục và các cấp được vận hành trực tuyến qua trang điện tử. Điều này giúp tốc độ cập nhật, xử lý thông tin nhanh chóng, mọi lúc, tạo hiệu quả về bảo đảm ATGT và cũng giảm được chi phí theo phương thức văn bản giấy.
Được biết, nhằm ứng dụng công nghệ để nâng hiệu quả bảo đảm ATGT và quản lý vận tải, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã lắp đặt hệ thống camera trực tuyến đảm bảo giao thông, đếm lượt phương tiện tại các vị trí trọng điểm về giao thông như cầu Long Biên (Hà Nội), Việt Trì, Hải Dương, Bình Lợi (TP Hồ Chí Minh), kênh Chợ Gạo (Tiền Giang). Trên hệ thống đường thủy nội địa quốc gia đã có 55 trạm thu tín hiệu AIS (hệ thống tự động nhận dạng phương tiện), tính đến tháng 10/2017 đã thu được dữ liệu của 7.292 phương tiện thủy, tàu biển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận