PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng |
Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI có một câu nhận định rất quan trọng, đại loại là khi ta giao quyền lực vào tay những người nắm giữ và quản lý khối lượng của cải vật chất rất lớn mà ta không theo dõi, không kiểm soát được công việc của họ thì rất dễ dẫn đến những câu chuyện như làm ăn thua lỗ, rồi tham nhũng, tiêu cực hay lãng phí, thất thoát rất nặng nề.
Từ đây, các Nghị quyết của Hội nghị T.Ư 4 khoá XI, XII đều đặt ra yêu cầu phải tăng cường kiểm soát quyền lực. Tức là giao quyền cho ai thì phải kiểm soát được công việc của người đó, ngăn chặn cho được tình trạng lộng quyền, lạm quyền, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi cá nhân. Đặc biệt, ngăn chặn cho được tình trạng đang phổ biến hiện nay, là việc cán bộ trong bộ máy chính quyền Nhà nước câu kết với doanh nghiệp, hình thành các nhóm lợi ích dẫn tới thất thoát tài sản, tham nhũng.
Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Hội nghị T.Ư 4 khóa XII, phải “nhốt quyền lực vào lồng”, nghĩa là phải kiểm soát được quyền lực.
Trong quá trình quản lý, lãnh đạo đất nước, việc trao quyền cho cán bộ là việc đương nhiên, nhưng ta phải luôn kiểm tra, giám sát được, xem những việc họ làm có lợi, có hại cho đất nước thế nào. Còn giao quyền mà không kiểm soát, “phóng sinh phóng địa” cho họ muốn làm gì cũng được, thì đến lúc xảy ra chuyện nọ chuyện kia, tất cả đều là “sự đã rồi”. Bởi kiểm soát quyền lực nhằm ngăn chặn hành vi tiêu cực, làm phương hại đến đất nước, nhân dân, chứ không phải kiểm soát quyền lực là đi giải quyết hậu quả, xử lý những chuyện đã rồi.
Cùng với kiểm soát quyền lực, phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, bởi nếu không có tinh thần trách nhiệm thì mọi việc đều có thể dẫn đến thất bại, thậm chí tác động xấu đến sự phát triển của đất nước.
Chính vì thế, tiêu chuẩn cần thiết của người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải là trí tuệ, đạo đức, kỹ năng lãnh đạo quản lý, năng lực tổ chức thực tiễn và tinh thần trách nhiệm. Nếu trách nhiệm người đứng đầu được đề cao thì sẽ hạn chế được rất nhiều tiêu cực.
Nhưng lâu nay, chúng ta còn “nhập nhằng” trong việc xác định trách nhiệm, tức là khi có sai phạm xảy ra, cá nhân lại “trốn” vào tập thể, người này đẩy trách nhiệm cho người kia.
Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách chúng ta đang thực hiện là đúng. Mọi việc cần phải bàn bạc trong tập thể, tránh quyết định chủ quan, độc đoán, chuyên quyền của một người nào đó, nhưng quyết định tập thể rồi thì phải giao cho từng cá nhân phụ trách, phân định trách nhiệm cụ thể để sau này khi sai sót xảy ra ở khâu nào thì mới quy được trách nhiệm. Cái này chúng ta làm chưa tốt, nên trong nhiều vụ việc trách nhiệm không rõ ràng.
Mới đây nhất, Quy định 90 của Bộ Chính trị quy định đối với các cán bộ lãnh đạo cấp cao phải không được tham vọng quyền lực, đây là một quy định cần thiết. Bởi người lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp cao phải có chuẩn mực “dĩ công vi thượng”, tức là đặt việc công lên trên hết, tập trung lo cho việc của đất nước, nhân dân, chứ lãnh đạo mà trước hết chỉ lo vun vén lợi ích cá nhân thì làm sao đủ uy tín và trách nhiệm thực thi quyền lực?
PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận