VTVcab sẽ làm hết sức để đưa Champions League trở lại với khán giả |
Về việc Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab) dừng phát sóng Champions League theo kế hoạch gây ảnh hưởng tới khách hàng, cụ thể là người hâm mộ bóng đá. Chính bởi vậy, khách hàng của VTVcab có quyền kiện đơn vị truyền hình này để đòi lại quyền lợi.
VTVcab không cần khách hàng
Đầu tháng 3 vừa qua, VTVcab bất ngờ thông báo dừng phát sóng Champions League vì lý do kỹ thuật. Tuy nhiên, thực chất việc VTVcab dừng phát sóng giải đấu hấp dẫn nhất châu Âu là do rắc rối liên quan với hợp đồng, cụ thể là do những vi phạm bản quyền từ nhiều đơn vị khác nhau tại Việt Nam.
Trước diễn biến trên, một lãnh đạo của VTVcab khẳng định: “Chúng tôi vẫn đang nỗ lực đàm phán để được tiếp tục phát sóng Champions League. Mặt khác, chúng tôi cũng củng cố hồ sơ để khởi kiện các đơn vị vi phạm. Trong sự việc này, VTVcab là nạn nhân của việc ăn cắp bản quyền truyền hình. Thiệt hại tuy chưa được thống kê nhưng chắc chắn rất lớn. Hơn nữa, nó còn làm giảm niềm tin của khách hàng với VTVcab. Phản ứng từ phía khách hàng là điều dễ hiểu, nhưng chúng tôi rất mong nhận được sự thông cảm”.
Thế nhưng, khi được hỏi về những động thái đền bù thiệt hại cho khách hàng, vị lãnh đạo trên lại chỉ đưa ra vấn đề. VTVcab sẽ nỗ lực đàm phán để nối sóng phục vụ người hâm mộ. Bên cạnh đó, vị lãnh đạo này không đề cập tới những biện pháp đền bù cụ thể cho khách hàng. “Chúng tôi cung cấp thuê bao gồm cả một gói kênh với rất nhiều chương trình hấp dẫn chứ không chỉ Champions League. Tuy vậy, với các thuê bao còn thời hạn sử dụng mà không muốn đóng phí tháng tiếp theo thì chúng tôi cũng chấp nhận”, lãnh đạo VTVcab cho hay.
Khi Báo Giao thông đem ý kiến của lãnh đạo VTVcab trao đổi với TS Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông Tuấn khẳng định: “Nếu VTVcab nói vậy nghĩa là họ không coi trọng khách hàng, không muốn tạo dựng niềm tin với khách hàng. Còn việc họ nỗ lực để phát sóng trở lại là đương nhiên, bởi nếu không họ sẽ bị thiệt hại”.
Người tiêu dùng có thể làm gì?
Trả lời câu hỏi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam có những động thái gì để bảo vệ khách hàng của VTVcab trong sự việc ngắt sóng Champions League, ông Tuấn nói: “Theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, chúng tôi có thể vào cuộc, lên tiếng yêu cầu VTVcab bồi thường những thiệt hại từ việc dừng phát sóng Champions League nếu khách hàng của họ yêu cầu”.
Ông Tuấn cũng cho biết, người tiêu dùng có quyền khiếu nại khi không được thực hiện đầy đủ những cam kết. “Tôi không muốn mua một cái bánh nhưng chỉ ăn được một nửa. Khách hàng của VTVcab cũng vậy, họ sử dụng dịch vụ với đầy đủ các chương trình. Khi VTVcab không thể thực hiện đúng hợp đồng thì đơn vị này bằng cách này, hay cách khác phải điều chỉnh giá trị hợp đồng sao cho phù hợp. Về phần người tiêu dùng, dĩ nhiên họ có quyền khiếu nại”.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng cho biết, trường hợp này khách hàng của VTVcab có thể thực hiện những bước sau: “Đầu tiên khách hàng và VTVcab nên ngồi lại với nhau để thỏa thuận, yêu cầu bồi thường. Nếu không được, khách hàng có thể tìm đến những tổ chức bảo vệ người tiêu dùng nhờ can thiệp. Hoặc tìm đến các văn phòng luật sư nhờ tư vấn về mặt pháp lý để đảm bảo quyền lợi.
Nếu cần thiết có thể đưa sự việc ra tòa dân sự yêu cầu VTVcab thực hiện đầy đủ thỏa thuận, đồng thời yêu cầu mức bồi thường hợp lý”.
Chỉ xử phạt hành chính những đơn vị vi phạm bản quyền? “Căn cứ vào mức độ vi phạm, tính chất nghiêm trọng của sự việc mà cơ quan quản lý Nhà nước có thể đưa ra hình thức xử phạt. Theo cá nhân tôi, trong vụ các đơn vị tự ý lấy sóng của VTVcab chưa đến mức nguy hại cho xã hội để truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Tố tụng. Nhiều khả năng chỉ có hình thức xử phạt hành chính và yêu cầu chấm dứt vi phạm. Tất nhiên, nếu anh tái phạm thì phải có hình thức xử phạt tăng nặng”, luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phân tích. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận